Bàn giao 28 Chi cục Quản lý thị trường phía Bắc về Bộ Công Thương

Chính trị - Ngày đăng : 13:46, 03/10/2018

Sáng 3-10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức bàn giao 28 Chi cục Quản lý thị trường (khu vực phía Bắc) về trực thuộc Bộ.

Sáng 3-10, tại Hà Nội đã diễn ra lễ bàn giao 28 Chi cục Quản lý thị trường về Bộ Công Thương. (Ảnh: moit.gov.vn)


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, trong thời gian chưa đầy 2 tháng kể từ sau Quyết định số 34 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường có hiệu lực, các đơn vị liên quan đã khẩn trương, quyết liệt trong việc xử lý công việc ở mỗi địa phương để có được lễ bàn giao ngày hôm nay.

Ông An nhấn mạnh, dù trực thuộc Bộ Công Thương hay trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố thì bản chất hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường không hề thay đổi là phục vụ nhiệm vụ chung duy nhất đó là kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống các vi phạm về giá, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với một nguyên tắc bất di bất dịch đó là “không rời sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trung ương và cơ quan chủ quản”.

“Đây là bước chuyển tới một lực lượng chuyên trách, xuyên suốt theo tư tưởng chính quy hiện đại. Đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu trong điều kiện kinh tế thị trường vì vậy Bộ rất cần tới con người và quy trình làm việc hiện đại phù hợp với thực tiễn, làm lành mạnh thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Bởi, nếu không có con người và quy trình hoạt động, công cụ phù hợp đủ sức tác nghiệp sẽ rất khó khăn trong quá trình hoạt động”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Trước đó, ngày 10-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12-10-2018.

Theo quyết định này, Tổng cục Quản lý thị trường là tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Về cơ cấu tổ chức, các tổ chức Quản lý thị trường ở trung ương gồm: Văn phòng Tổng cục; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính; Vụ Chính sách - Pháp chế; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường.

Tại địa phương, thành lập Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục, có Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh thay cho mô hình Chi cục trực thuộc Sở Công Thương hiện nay.

Theo ĐỨC DUY (VIETNAM+)