Tạo nền, xây nếp văn hóa Thủ đô

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 04/10/2018

(HNM) - Diễn ra thường niên vào tháng 10, Hội sách Hà Nội lần thứ V - năm 2018 vẫn giữ được sức hút dù đây đã năm thứ 5 liên tiếp được tổ chức.


Những năm gần đây, người dân trên địa bàn TP Hà Nội không còn xa lạ với các hội sách. Với khoảng 6 hội sách lớn được tổ chức hằng năm, nhưng sự kiện nào cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ giới làm sách và độc giả. Điển hình là Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam; Hội sách quốc tế và Hội sách Hà Nội... Chưa kể, các hội sách cũ tổ chức thường kỳ ở Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám)...

Mỗi hội sách có một đặc trưng riêng. Nếu Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam nhằm tuyên truyền, thúc đẩy văn hóa đọc, quảng bá xuất bản phẩm, thì Hội Sách Hà Nội nhằm tạo nét đẹp văn hóa của Thủ đô; Hội sách cũ là nơi giao lưu, trao đổi những người yêu sách cũ, săn tìm sách quý; Hội sách quốc tế có sự tham gia của các đơn vị xuất bản, phát hành nước ngoài, với các hoạt động chủ yếu là giới thiệu, giao dịch bản quyền, hội thảo quảng bá xuất bản phẩm...

Đặc biệt với Hội Sách Hà Nội năm nay, yếu tố công nghệ số đã được tập trung trong nhiều hoạt động. Đây là sự thay đổi tích cực về tư duy để thích ứng với những tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Đó là một lứa độc giả mới thay vì chỉ cặm cụi cầm những quyển sách dày cộp, vào thư viện mới thể có thể đọc được những quyển sách yêu thích.

Nay, mọi sự đã khác. Công nghệ thông tin đã tạo ra "sách điện tử" với nhiều tính năng ưu việt: Nhỏ gọn, di động... Và ngành Xuất bản không có con đường nào khác là phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Rất mừng là ngành Xuất bản Việt Nam đã phần nào tiếp cận được với xu hướng này của thế giới.

Những hội sách đông vui, náo nhiệt đã chứng minh cho sự cần thiết và hữu ích với các đơn vị xuất bản, phát hành và độc giả. Đây còn là dịp để giao lưu giữa những người làm sách, là cơ hội tri ân độc giả. Qua đó, văn hóa đọc lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Tuy vậy, để nâng cao văn hóa đọc ở Thủ đô, không chỉ Ban Tổ chức mà các đơn vị phát hành sách cần không ngừng đổi mới cách thức để người đọc có cơ hội dễ dàng tiếp cận với tri thức.

Mặc dù Hội sách Hà Nội đã thành công trên nhiều phương diện, nhưng đây không chỉ là những gian hàng được dựng lên để trưng bày sách, mà còn cần nhiều hơn thế. Đó là có diện tích đủ để khách tham quan có không gian, thời gian, hứng thú xem sách; các khâu dịch vụ như trông xe, ẩm thực... cũng phải được bố trí thuận lợi hơn.

Hội sách là hoạt động văn hóa chứ không đơn thuần là bán sách và quảng cáo thương hiệu của các nhà xuất bản, nên chăng cần có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị tham gia. Và để thêm ý nghĩa, hội sách nên khuyến khích các hoạt động sáng tạo góp phần nâng cao văn hóa đọc, biểu dương các gương sáng, các cá nhân ham đọc sách, có công xây dựng các tủ sách, thư viện dòng họ, địa phương...

Trong khi các hội sách diễn ra liên tiếp ở vùng nội thành thì ở vùng ngoại thành hoạt động này vẫn là khoảng trống. Do đó, cần nghiên cứu để có thể tổ chức các hoạt động tương tự ở vùng nông thôn theo quy mô, địa điểm thích hợp. Khi hội sách với những hoạt động bao trùm trên diện rộng với chiều sâu, ắt hẳn sẽ góp phần tạo nền, xây nếp cho văn hóa đọc của Thủ đô.

Minh Thúy