Chuyên gia quốc tế: Việt Nam là câu chuyện thành công về thu hút FDI
Kinh tế - Ngày đăng : 15:23, 04/10/2018
Việt Nam là cứ điểm toàn cầu của Samsung
Ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc quốc gia cao cấp Việt Nam, Campuchia và Lào, thuộc Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cho biết, kể từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng cách đây 30 năm, đầu tư nước ngoài đã trở thành một động lực chính của phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Theo ông, mức nhân công cạnh tranh, môi trường kinh tế và chính trị ổn định, hệ thống hạ tầng tương đối tốt và vị trí địa lý thuận lợi cùng với khuôn khổ chính sách thương mại và đầu tư năng động, tất cả đã góp phần tạo nên mức tăng trưởng FDI kỷ lục trong các năm qua.
Liên quan đến môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, sau 10 năm khởi đầu với mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy SEV, hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư tăng gần 26 lần, lên tới 17,3 tỷ USD.
“Trong chiến lược phát triển của Samsung, Việt Nam đóng vai trò quan trọng và là cứ điểm toàn cầu không chỉ trong sản xuất mà còn với các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D”, ông Shim Won Hwan nói.
Đại diện doanh nghiệp này cũng cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là một trong những chương trình hành động của Samsung. Theo ông, hiện số lượng doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung là 35 doanh nghiệp và dự kiến sẽ tăng lên 50 doanh nghiệp vào năm 2020.
Sau 20 năm có mặt tại Việt Nam, năm 2018, nhà máy Intel Việt Nam đã cán mốc xuất khẩu 1 tỷ sản phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam".
Với điểm nhấn này, chia sẻ tại hội nghị, bà Lee Soo Hooi, Tổng Giám đốc, Intel Products Việt Nam vui mừng cho biết, trong quá trình phát triển tại Việt Nam, Intel đã chứng kiến những thay đổi tích cực và to lớn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, điển hình là nhiều dự án FDI có giá trị lớn được thu hút thành công từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Đại diện Intel Products Việt Nam nhấn mạnh, Intel cũng chứng kiến những cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong chính sách quản lý nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. “Chúng tôi cho rằng những cam kết quan trọng của Chính phủ Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng gắn bó với Việt Nam trong tương lai”, bà Lee Soo Hooi nói.
Hội nghị 30 năm FDI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. (Ảnh: Linh Chi/Vietnam+) |
Bối cảnh mới, tầm nhìn mới
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 8-2018 đã có hơn 26.500 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Đầu tư nước ngoài có đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó 58% tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.
Số liệu cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng năm 2018. Đáng chú ý, số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.
Từ kết quả trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời tạo nên nền tảng quan trọng cho tăng trưởng cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại trong thu hút FDI tại Việt Nam như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí là khu vực FDI chưa tạo ra được sự lan tỏa trong việc kết nối với khu vực kinh tế tư nhân như mong đợi.
Do vậy, theo Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam phải có chính sách để khắc phục được những tồn tại và hạn chế trên. Hơn nữa, bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra những yêu cầu phải có sự thay đổi trong chiến lược thu hút nước ngoài giai đoạn tới.
Theo đó, thu hút FDI sẽ ưu tiên vào các lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, logistics…
Ở góc độ địa phương, Bộ trưởng nêu rõ, việc thu hút FDI cần phù hợp với lợi thế, trình độ phát triển và quy hoạch. Đặc biệt đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, biên giới, hải đảo… việc thu hút FDI cần được xem xét chặt chẽ, đảm bảo an nình và chủ quyền của đất nước.
Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, giám sát hiệu quả các dự án FDI sau cấp phép.
Đặc biệt, ông Chung nhấn mạnh đề nghị các cơ quan chức năng cần bổ sung cơ chế phối hợp quản lý, giám sát sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư và cần phải có chế tài xử lý các vi phạm cụ thể và đủ mạnh để giúp giảm tải công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước cũng như tăng cường hiệu quả, lành mạnh môi trường đầu tư.