Phố nhỏ "oằn mình" gánh chung cư
Bất động sản - Ngày đăng : 06:29, 04/10/2018
Chung cư cao tầng xuất hiện với mật độ dày đặc đang gây áp lực lớn với hạ tầng đô thị của Hà Nội. Ảnh: Hữu Tiệp |
Áp lực hạ tầng
Phố Nguyễn Đức Cảnh (quận Hoàng Mai) chỉ dài 700m nhưng có tới 6 khối nhà chung cư cao tầng ở hai bên đường. Hiện nhiều đoạn đường không có vỉa hè, mặt cắt rộng 7m phải "oằn mình" vì lượng ô tô, xe máy khổng lồ hằng ngày qua lại. Trong khi đó, giao cắt với tuyến phố này là phố Lương Khánh Thiện cũng có 2 khu chung cư cao tầng với quy mô cao hơn 20 tầng chuẩn bị đi vào hoạt động, dự kiến đón nhận hàng nghìn cư dân đến nơi ở mới. Người dân khu vực lo lắng, với đà dân số ngày càng gia tăng, nhưng hạ tầng giao thông không cải thiện thì tình trạng ùn tắc sẽ còn trầm trọng và lan rộng hơn.
Tương tự, phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) có mặt cắt đường rộng khoảng 6m, nhưng hiện hữu tới 20 tòa chung cư cao tầng với sức chứa khoảng 3 vạn người. Mặc dù hiện nay các tòa chung cư ở đây mới chỉ đón nhận 1/10 lượng cư dân đến ở, nhưng hằng ngày thường xuyên diễn ra cảnh ùn tắc giao thông. Dự kiến đến cuối năm nay, các tòa nhà ở đây sẽ đón nhận cư dân về ở đông hơn, sẽ là áp lực vô cùng lớn đối với hạ tầng ở khu vực này.
Trong khi đó, tại quận Cầu Giấy, chỉ riêng phường Yên Hòa có 2 khu đô thị mới Yên Hòa và Cầu Giấy, 20 chung cư cao tầng, 2 tòa nhà văn phòng… cũng là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm. Ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa chia sẻ: "Hạ tầng không thể chạy theo mức độ gia tăng dân số, đường mở rộng đến đâu thì xảy ra tắc nghẽn đến đó. Nguyên nhân là ngoài việc “cõng” lượng phương tiện và dân số đông đúc của phường, hạ tầng nơi đây còn phải đón nhận thêm lưu lượng lớn ở địa bàn khác đi vào. Chưa kể, theo quy định trong Luật Nhà ở thì không được phép sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh, nhưng các cá nhân và tập thể vẫn cố tình thuê và cho thuê căn hộ làm văn phòng, đồng nghĩa với tăng số lượng người, góp phần tạo áp lực lên hạ tầng của khu vực...".
Giải pháp nào?
Thời gian qua, thành phố đã có nhiều giải pháp để giảm áp lực cho hạ tầng đô thị như phân luồng giao thông từ xa; hạn chế phương tiện trong các khung giờ cao điểm; đầu tư cải tạo, mở rộng hệ thống đường giao thông… Thế nhưng, các nỗ lực, giải pháp trên đều chưa hiệu quả, thậm chí tình trạng ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng.
Đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) thường xuyên ùn tắc vì nhiều nhà cao tầng được xây mới. |
Theo lãnh đạo một số quận, việc gia tăng dân số cơ học, phương tiện, đặc biệt là việc phá vỡ quy hoạch đô thị đã khiến mọi tính toán, dự báo về hạ tầng giao thông trong tương lai bị đảo lộn. Trong khi đó, các giải pháp đưa ra chỉ có thể giải quyết tình thế. Chẳng hạn, ở quận Hoàng Mai, đề xuất thay thế cải tạo hệ thống hàng rào tuyến đường Vành đai 3 tại 4 vị trí; xén hè mở rộng góc cua, cải tạo giao thông tại 2 nút giao thông; thay thế biển báo giao thông theo Quy chuẩn tại 10 tuyến đường, phố và sơn vạch, kẻ đường 11 tuyến đường, nhưng cũng chỉ hạn chế phần nào tình trạng ùn tắc.
Trong khi đó, theo ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, ở phường Vĩnh Tuy, sau khi các cao ốc, chung cư mọc lên khiến gia tăng dân số phường, tạo sức ép không chỉ cho hạ tầng giao thông mà còn nhiều vấn đề khác. UBND quận đã tăng cường cán bộ liên quan đến giải phóng mặt bằng hoặc cử Đội trưởng Đội Cảnh sát 113 của quận về làm công an phường để giải quyết những vấn đề trước mắt...
Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, để giảm thiểu sự quá tải trên cần xây dựng các dự án dài hơi như cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bị ách tắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các dự án thường rơi vào trạng thái “dậm chân tại chỗ”. Cụ thể, quy hoạch mở đường mặt cắt 17,5m phố Nguyễn Đức Cảnh; Dự án “Nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam theo quy hoạch (điểm đầu từ nút giao với đường Nguyễn Tam Trinh, điểm cuối nối với đê Hữu Hồng) mới chỉ dừng lại ở khâu thẩm định điều chỉnh một số nội dung của dự án; Dự án xây dựng đường Vành đai 3 dưới thấp đi qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3 đang ở khâu chuẩn bị đầu tư. Các dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng của quận Thanh Xuân dù đã được thành phố chấp nhận về chủ trương nhưng vẫn chưa thực hiện...
Thực tế cho thấy, những biện pháp, nỗ lực thời gian qua chỉ là tình thế, chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề cân bằng giữa xây dựng các chung cư cao tầng và giao thông đô thị. Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay nhiều chủ đầu tư vừa thiết kế xây dựng vừa đầu tư, đã phá vỡ quy mô dân số, thay đổi diện tích xây dựng, bớt xén không gian công cộng khiến quy hoạch chung của Thủ đô có nguy cơ bị méo mó. Vì vậy, cần tuân thủ nghiêm quy hoạch và gắn trách nhiệm cho các cấp quản lý của chính quyền địa phương.