Tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 05/10/2018

(HNM) - Để tiến tới nền nông nghiệp hiện đại theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao thì việc tích tụ ruộng đất là một trong những điều kiện tất yếu.

Thực hiện mục tiêu đó, những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội đã đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hình thành quỹ đất lớn thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nông nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.


Ảnh minh họa.


Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện đất nông nghiệp trên cả nước còn phân tán, quy mô nhỏ, bình quân/hộ vào khoảng 0,46ha, chiếm tới 81,61% tổng số hộ có đất nông nghiệp. Để giúp nông dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp. Đặc biệt, Luật Đất đai 2013 được ban hành đã có nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nói chung, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp nói riêng. Hiện, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 nhằm tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, tồn tại...

Cùng với đó, nhiều địa phương đã có những giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tích tụ ruộng đất. Đơn cử, tại tỉnh Hà Nam, với hình thức nhà nước (chính quyền cấp huyện, xã...) thuê đất của nhân dân, sau đó chính quyền cấp tỉnh cho doanh nghiệp thuê lại. Thời gian thuê đất 20 năm, mức giá cho doanh nghiệp thuê bằng mức giá chính quyền thuê với người dân. Từ hình thức đó, đến nay, Hà Nam đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, việc hình thành các mô hình còn giải quyết lượng lớn lao động địa phương. Chẳng hạn, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Vineco với 179,1ha - sau khi đi vào hoạt động, dự án đã tạo việc làm ổn định cho 250 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/người/tháng...

Tại Hà Nội, dù tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh song địa phương là một trong những nơi tiên phong trong dồn điền đổi thửa. Theo Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nhờ dồn điền đổi thửa, đến nay, Hà Nội đã hình thành 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô trên 100ha tại 86 hợp tác xã nông nghiệp thuộc 14 huyện ngoại thành; 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô 20ha trở lên, cho giá trị 400-500 triệu đồng/ha/năm; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với quy mô 20ha/vùng, cho giá trị 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm...

Ngoài Hà Nam, Hà Nội, một số tỉnh đã có nhiều giải pháp hay trong tích tụ ruộng đất như: Lâm Đồng, Bắc Giang, Phú Thọ… với các hình thức: Liên kết, hợp tác với người sử dụng đất; thuê đất nông nghiệp của người dân đang sử dụng, nhận đóng góp bằng quyền sử dụng đất…

Mặc dù việc tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thời gian qua diễn ra khá hiệu quả tại nhiều địa phương, nhưng đây vẫn là vấn đề còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, các địa phương khi xây dựng công tác quy hoạch đất đai cần tính đến quy mô, quy hoạch lớn hơn như quy hoạch theo vùng, khu vực... Mặt khác, cần tăng thời gian cho sử dụng đất hiện nay (5 năm) lên 10 năm; cần công khai khu vực được phép và không được phép tham gia giao dịch trên thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mặt khác, cần thay đổi mức hạn điền, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp...

Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuê đất của dân để kinh doanh ở quy mô hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp đẩy mạnh quá trình dồn điền đổi thửa, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn. Vấn đề quan trọng cần xây dựng khung pháp lý phù hợp, minh bạch cho các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất; đồng thời, việc tích tụ ruộng đất cần đi đôi với cải cách mạnh mẽ về điều kiện sản xuất nông nghiệp như: Tổ chức tốt thị trường (đầu vào, đầu ra...), nâng cao năng lực cạnh tranh trong nông nghiệp...

Đỗ Minh