Điều trị cai nghiện bằng Methadone giúp giảm lây nhiễm HIV
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:47, 06/10/2018
Các bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị Methadone. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp bệnh nhân điều trị an toàn, tăng thể trạng sức khỏe, thay đổi hành vi nhận thức, giảm tội phạm do người nghiện gây ra.
Cụ thể, trước khi điều trị Methadone, tỷ lệ bệnh nhân dùng chung bơm kim tiêm khá cao (chiếm khoảng 22%), nhưng sau 1 năm được điều trị Methadone đã không còn bệnh nhân sử dụng chung bơm kim tiêm.
Mặt khác, trước khi điều trị Methadone, tỷ lệ sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục là 50%, nhưng sau 1 năm điều trị tăng lên 93,2% và sau 3 năm đạt 96,7%. Bệnh nhân không dùng chung bơm kim tiêm và sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục, giúp dự phòng lây nhiễm HIV.
Riêng với người bệnh nhiễm HIV, nhưng vẫn nghiện ma túy được điều trị tốt hơn, do không bị ảnh hưởng của hội chứng cai ma túy và giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV/AIDS gây ra…
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đức Hạnh, dù công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã thu được những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt. Đầu tiên phải kể đến là nguồn lực dành cho công tác phòng, chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm thời gian qua, gây ảnh hưởng đến việc mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Thêm vào đó là việc tuyên truyền về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone chưa thực sự sâu rộng. Do chưa hiểu rõ về bản chất và lợi ích của điều trị Methadone, nên nhiều người nghiện không muốn tham gia. Thậm chí, họ còn ngại lộ diện, không dám tham gia điều trị Methadone, do sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng.
Một trở ngại nữa là có những người điều trị không đều, bỏ dở quá trình điều trị, hay nhiều người bệnh lâu năm sau khi ra khỏi chương trình Methadone lại tái nghiện, gây khó khăn trong công tác điều trị HIV/AIDS…
Mục tiêu mà thành phố đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng các cơ sở điều trị Methadone và cơ sở cấp phát thuốc, nhằm tăng độ bao phủ và thuận tiện cho bệnh nhân tiếp cận với chương trình, phấn đấu đến năm 2020 thu dung được 6.500 bệnh nhân điều trị.
Để đạt mục tiêu này, cần huy động nguồn kinh phí cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung và chương trình điều trị Methadone nói riêng; bảo đảm lồng ghép có hiệu quả dịch vụ điều trị thay thế Methadone với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV cũng như các dịch vụ y tế khác trên địa bàn.
Mặt khác, đẩy mạnh xã hội hóa, tuyên truyền, vận động sự tham gia của bệnh nhân và gia đình họ. Bên cạnh đó, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đăng ký tham gia điều trị, chuyển tiếp điều trị Methadone…