Nhiều hành vi chưa bị xử lý

Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 06/10/2018

(HNM) - Sau khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định 155) có hiệu lực, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đồng loạt ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm.

Còn nhiều vi phạm

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực hiện Nghị định 155, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đã thanh, kiểm tra 3.264 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 910 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 23,624 tỷ đồng. Tương tự, UBND các quận, huyện, thị xã đã thanh, kiểm tra 2.545 cơ sở và xử lý vi phạm của 689 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 13,3 tỷ đồng. Riêng quận Hà Đông đã kiểm tra, xử lý được gần 60 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền phạt trên 130 triệu đồng với các hành vi chủ yếu: Vứt rác, đi vệ sinh không đúng nơi quy định, xe chuyên chở làm rơi vãi phế thải...

Rác, phế thải xây dựng thường xuyên tập kết tại ngã tư (đoạn gần cầu Mai Động), quận Hai Bà Trưng.


Trên thực tế, nhiều trường hợp sau khi bị xử lý vi phạm hành chính đã có những thay đổi về hành vi, thói quen theo hướng tích cực. Đại diện Công an quận Hà Đông dẫn chứng: Ông Đào Huy Quý, hộ khẩu thường trú huyện Thanh Oai điều khiển xe tự chế chở rác thải sinh hoạt, vứt không đúng nơi quy định tại tổ dân phố 3, phường Đồng Mai (Hà Đông). Sau khi bị xử phạt hành chính 4 triệu đồng, ông Quý đã nộp phạt và khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, sự biến chuyển chưa đều. Theo đánh giá của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường và một số quận, huyện, việc thực hiện Nghị định 155 trên địa bàn vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. Khảo sát của phóng viên dọc một số tuyến đường lớn như: Minh Khai, Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn,... cho thấy tình trạng tổ chức, cá nhân đổ rác thải, phế thải xây dựng, đi vệ sinh không đúng nơi quy định vẫn xảy ra rất nhiều.

Đi sâu vào các ngõ, ngách thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân... tình trạng đổ rác, phế thải không đúng nơi quy định diễn ra phổ biến hơn. Đầu ngõ 73, đường Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) là ví dụ. Mặc dù đã có biển “Cấm đổ rác” nhưng mới đầu giờ sáng ở đây đã xuất hiện nhiều túi rác lớn, nhỏ bốc mùi xú uế. Bà Nguyễn Thị Tâm, phường Nam Đồng (Đống Đa) bức xúc, sáng nào đi qua đầu ngõ 73, Nguyễn Lương Bằng cũng bắt gặp những túi rác chất đống tại đây. Mặc dù chính quyền các cấp đã đẩy mạnh tuyền truyền, xử phạt việc vứt rác bừa bãi nhưng không ít hộ dân vẫn cố tình vi phạm.

Tuyên truyền kèm xử phạt nghiêm

Tìm hiểu được biết, nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm nêu trên là ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế; cán bộ làm công tác môi trường thường kiêm nhiệm, nể nang, ngại va chạm nên hiệu quả công việc chưa cao. Sự vào cuộc của chính quyền các cấp, lực lượng chức năng chưa quyết liệt, thường xuyên, cũng khiến việc thực hiện Nghị định 155 bị buông lỏng. Ngoài ra, để xử phạt các hành vi như vứt rác, vứt tàn thuốc bừa bãi... thì phải có hình ảnh làm bằng chứng, hoặc bắt quả tang, song tại các xã, phường, việc trang bị máy quay, máy ảnh còn thiếu, hành vi vi phạm diễn ra trong thời gian rất ngắn nên khó xử lý...

Nói về những khó khăn, ông Ngô Hùng Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm) cho biết, thời gian qua phường Mỹ Đình 1 đã đẩy mạnh tuyên truyền, ra quân xử lý vi phạm theo Nghị định 155 nhưng việc này vẫn khó thực hiện do cán bộ một số tổ dân phố, người dân còn nể nang, không tố giác hành vi vi phạm; một số đối tượng khi bị bắt quả tang còn “bỏ của chạy lấy người”.

Còn theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Nghị định 155 quy định khá chi tiết, rõ ràng các hành vi vi phạm, mức phạt, nhưng một số nội dung khó áp dụng trong thực tiễn. Đơn cử, hành vi vứt rác thải không đúng nơi quy định bị phạt tiền 3-5 triệu đồng; vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị… bị phạt tiền 5-7 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc phát hiện, lưu giữ bằng chứng, lập biên bản vi phạm phải theo quy trình và cần lực lượng có nghiệp vụ tuần tra, trinh sát, trong khi cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường lại mỏng, thiếu trang thiết bị... Vì thế, để xử lý được 1 trường hợp vi phạm là không dễ. Hơn nữa, hình thức xử phạt bằng tiền cao so với thu nhập của người dân nên một số cá nhân không chấp hành, trong khi đó chế tài cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong lĩnh vực này với cá nhân lại chưa có.

Để Nghị định 155 thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đã đến lúc các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm, khung và mức phạt để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện. Ngoài ra, các địa phương cần quy định cụ thể thời gian và địa điểm tập kết rác trên địa bàn để người dân thực hiện và làm cơ sở xử phạt nếu vi phạm; trang bị đầy đủ trang thiết bị cho lực lượng thực thi nhiệm vụ ở cấp xã, phường, thị trấn...

Hoàng Minh - Minh Hiền