Thổi hơi thở hiện đại vào tích tuồng cổ
Văn hóa - Ngày đăng : 07:26, 07/10/2018
Cảnh trong vở kịch “Nghêu Sò Ốc Hến”. |
“Nghêu Sò Ốc Hến” vốn là một tích tuồng cổ, được hình thành trong dân gian. Nhưng vượt xa khỏi môn nghệ thuật tuồng, câu chuyện châm biếm hài hước này đã được chuyển thể dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, từ chèo, cải lương, kịch nói, múa rối đến điện ảnh…
Ngay cả hình thức kịch nói cũng có trên dưới 10 đơn vị nghệ thuật có tiếng dàn dựng. Nhà hát Kịch Việt Nam có đến 2 bản dựng trước đây, dưới bàn tay đạo diễn của Nghệ sĩ nhân dân Dương Ngọc Đức, Nghệ sĩ ưu tú Đặng Tú Mai cùng các lớp diễn viên kỳ cựu thể hiện như Nghệ sĩ nhân dân Trần Tiến, Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương (Hương Bông), Quốc Khánh, Chiều Xuân… Gần đây, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ cũng mạnh dạn cho ra mắt vở “Thị Hến” phóng tác từ “Nghêu Sò Ốc Hến”.
Bởi vậy, việc Nhà hát Kịch Việt Nam dựng lại vở này không thể tránh khỏi sự so sánh, ít nhất là trong làng kịch, sau nữa là các loại hình nghệ thuật khác vốn có thế mạnh về diễn tấu dân gian. Nhưng Nghệ sĩ ưu tú Lâm Tùng khẳng định: “Đây là câu chuyện hấp dẫn từ đầu đến cuối, vẫn còn giá trị đến ngày hôm nay trong việc giải trí hay phê phán một bộ phận quan quyền thiếu ngay ngắn… Mỗi thời đại lại có một tư duy sân khấu khác, một lớp khán giả riêng nên tôi nghĩ mình vẫn có “đất” sáng tạo”.
Câu chuyện xưa vẫn vậy, là về anh chàng Ốc nhờ thầy Nghêu gieo quẻ chỉ hướng vào trộm đồ của Trùm Sò, sau đó đem bán đồ cho Thị Hến. Thị Hến bị bắt giải lên quan huyện, thị đã dùng nhan sắc để lung lạc quan huyện và thầy đề. Không những được tha bổng, Thị Hến còn bày mưu đưa cả quan huyện, thầy đề, lý trưởng vào bẫy để các bà vợ của họ đánh ghen một trận nhớ đời.
Tuy nhiên, đạo diễn Lâm Tùng đã biên tập và xây dựng sâu hơn về nhân vật Ốc và Hến, lý giải hoàn cảnh xã hội phong kiến bấy giờ xô đẩy họ phải làm những việc gian… Các nhân vật quan huyện, lý trưởng, thầy đề đầy thói hư tật xấu nhưng được xử lý có duyên nên khán giả không còn ác cảm về họ. Đó chính là cách để thổi tư duy mới vào vở diễn mà không phá đi cốt truyện gốc.
Đạo diễn còn biên tập lại đến 80% lời thoại khá phù hợp với khán giả hiện nay mà không quá xa với bối cảnh vở diễn, đồng thời khéo léo gia giảm tình huống hài hước, đưa màu sắc chèo, tuồng, âm nhạc dân gian vào vở diễn khiến cho khán phòng luôn rộn ràng và ngập tràn tiếng cười.
Thiết kế sân khấu của Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng đơn giản mà đem lại hiệu quả cao. Phông màn chỉ có hình một chiếc lá chuối nhưng có thể thay đổi màu sắc qua từng cảnh diễn đầy biểu cảm. Những vật dụng biểu trưng cuộc sống làng quê như bè, nơm, chõng… bỗng chốc biến thành đạo cụ hỗ trợ diễn viên.
Dàn diễn viên đều khẳng định được mình trong phiên bản lần này. Nghệ sĩ Phú Đôn (vai thầy Nghêu), Mai Nguyên (vai quan huyện), Hồ Liên (vai bà huyện) với kinh nghiệm dày dạn đã tạo nên chỗ dựa cho lớp trẻ thăng hoa theo. Vai diễn quan trọng nhất của vở là Hến được giao cho nghệ sĩ trẻ Khánh Linh. Bản thân nghệ sĩ này cũng có áp lực khi nhận vai, nhưng thay vì tìm những bản diễn cũ để học hỏi, Khánh Linh đã tự nghiên cứu nhân vật để có hướng thể hiện theo cách của mình. Thị Hến của Khánh Linh mang dáng vẻ của người phụ nữ Việt Nam hiện đại - xinh xắn, nhanh nhạy, ứng biến linh hoạt.
Ê kíp thực hiện đã đạt được mục tiêu thổi hơi thở hiện đại vào tích tuồng cổ, đem đến “món” giải trí thú vị cho công chúng Thủ đô. Tuy nhiên, nếu đạo diễn điều chỉnh một vài lời thoại chưa vừa tai với phần đa khán giả và dẫn dắt tình huống logic hơn thì chắc hẳn, đây cũng là một phiên bản đáng được nhắc đến của tích tuồng cổ “Nghêu Sò Ốc Hến”.