Thêm nhiều cây bút đến với trẻ thơ

Sách - Ngày đăng : 07:09, 07/10/2018

(HNM) - Trong những ngày diễn ra Hội sách Hà Nội 2018, các gian sách thiếu nhi luôn tấp nập độc giả.

Gian sách của Nhà Xuất bản Kim Đồng thu hút độc giả tại Hội sách Hà Nội 2018. Ảnh: Thụy Du


“Xóm Bờ Giậu” - thế giới đồng thoại thú vị

Có thể vì nhà văn Trần Đức Tiến (Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam) được tín nhiệm ở mảng sách thiếu nhi nên cuốn “Xóm Bờ Giậu” của ông khá được chú ý tại Hội sách Hà Nội 2018. Ngay khi cầm lên đã thấy cuốn sách hấp dẫn với lối trình bày bắt mắt, sinh động bởi có những con vật thân thiện với trẻ thơ. Bìa sách và phần minh họa phía trong được họa sĩ Kim Duẩn vẽ bằng màu nước, khiến các hình ảnh từ cây cối đến con vật đều rất mềm mại, có hồn. Người yêu nghệ thuật không thể rời mắt, trẻ con vốn ưa thích sinh vật, động vật lại càng hào hứng.

Những trang viết của nhà văn Trần Đức Tiến thật lôi cuốn. Bằng lối viết đồng thoại - thể loại tự sự hiện đại sử dụng hình thức nhân cách hóa loài vật, tác giả dẫn dắt các bạn nhỏ vào xóm Bờ Giậu có nhiều chuyện thú vị. Ở đó có cụ giáo Cóc thông thái đã về hưu, nhạc sĩ Dế Lửa, chú thợ săn Thằn Lằn, vận động viên nhảy xa Nhái Xanh, cô người mẫu Ốc Sên, cô Cúc Áo điệu đàng, hiệp sĩ Bọ Ngựa, chàng thi sĩ nghiệp dư Dế Còm… Chúng hòa mình vào cuộc sống, đương nhiên có va chạm, xích mích, có đỡ đần, hỏi thăm, có “buôn dưa lê”… Thế giới động vật đấy mà sao đọc thấy rất người, rất giống trẻ con. Những câu chuyện, bài học đối nhân xử thế thấm vào lòng người đọc, đặc biệt là các em nhỏ. Đấy chính là cái duyên của nhà văn đã đi về phía trẻ thơ một cách chân thành, gần gũi.

Giới văn chương đều biết, cái khó của lối viết đồng thoại là tác giả vừa phải trở lại là một đứa trẻ, vừa phải hóa thân vào nhân vật thì mới thuyết phục bạn đọc nhỏ tuổi; chỉ một thứ đã dễ bị “lộ tẩy”, huống chi là hai. Thế nhưng, nhà văn Trần Đức Tiến trong “Xóm Bờ Giậu” đã thực hiện trôi chảy. Đọc những đoạn đối thoại của Dế Lửa và Thằn Lằn, Chó Đốm và Mèo Mun, Mèo Nhà và Mèo Hoang…, độc giả thấy đúng là giọng điệu của trẻ con. Còn những tập tính của dế, kiến, chuồn chuồn, chào mào, sáo sậu… được tác giả lột tả rõ rệt. Và thế giới đầy màu sắc của tự nhiên được miêu tả sống động, tươi đẹp trong cuốn sách cứ thế cuốn hút bạn đọc.

Viết cho thiếu nhi là một hạnh phúc

Nhà văn Lê Nhật Ký đã chia sẻ cảm nhận như vậy trên hành trình trải nghiệm viết cho thiếu nhi của mình. Vì sao? Có lẽ bởi viết cho trẻ con thì chính người viết cũng phải hồi tưởng lại thuở ấu thơ của mình, đặt mình vào vị trí của các em nhỏ mà suy nghĩ. Cảm giác được trở về tuổi thơ vô tư, hồn nhiên với mỗi người lớn đều rất hạnh phúc.

Hiện nay, chúng ta có nhiều tác giả đã gắn bó lâu dài với mảng đề tài dành cho thiếu nhi, như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Đinh Tiến Luyện... Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chưa lúc nào thôi gây sốt trong mỗi lần ra mắt sách. Nhà văn Trần Đức Tiến với vốn liếng xuất bản phẩm như “Ốc mượn hồn”, “Dế mùa thu”, “Thằng Cúp”, “Làm mèo”, “Trên đôi cánh chuồn chuồn”… đã khẳng định được vị trí của mình trong mảng sách này. Sau một thời gian vắng bóng, nhà văn Đinh Tiến Luyện cũng đang gây chú ý với cuốn truyện dài “Mùa hè kỳ thú” vừa xuất bản. Họ ít nhiều tạo một dòng chảy văn học thiếu nhi đều đặn.

Các cây bút vốn thành danh ở những đề tài khác vài năm trở lại đây cũng thử sức viết cho con trẻ, như Đỗ Bích Thúy, Dương Thụy, Phong Điệp, Lưu Thị Lương... Đa phần họ viết vì sự thôi thúc từ cuộc sống gia đình - muốn có những trang sách cho con.

Một số nhà văn trẻ cũng dấn thân vào mảng đề tài này và được đánh giá có triển vọng. Điển hình là tác giả Trương Huỳnh Như Trân với cuốn “Khu rừng bánh kem” vừa đến tay bạn đọc. Tác giả hóa thân vào cô bé Nghé 5 tuổi, kể những chuyện xảy ra quanh mình bằng giọng điệu trong trẻo, ngộ nghĩnh và ngọt ngào như những chiếc bánh kem. Nhà văn Trần Đức Tiến nhận xét: “Thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của những bài học khô khan là điều mà không phải cây bút viết cho thiếu nhi nào cũng làm được. Đây là thành công bước đầu đáng ghi nhận”.

Không có công thức chung nào để viết cho thiếu nhi, nhưng mỗi người khi bước vào mảnh đất này nên xác định giống như nhà văn Trần Đức Tiến: “Viết thế nào để các em thích đọc và có những tác phẩm văn học được đọc từ nhỏ đi theo người ta suốt cuộc đời”. Đó phải là những trang viết không giáo điều, không khô khan, thoát được giọng điệu áp đặt của người lớn.

Bên cạnh đó, sách dành cho thiếu nhi được chú ý thời gian gần đây thường có sự song hành của nội dung và hình thức. Có nghĩa, ngoài hay thì sách phải đẹp, bắt mắt. Phần nhìn bao giờ cũng chiếm được cảm tình của con trẻ trước tiên, sau đó mới đến những con chữ. Vì thế, nhiều tác giả, nhà xuất bản đã chăm chút công việc trình bày, giới thiệu sách thiếu nhi.

Dẫu biết sách cho thiếu nhi đòi hỏi tâm huyết và sự đầu tư nhiều từ mỗi tác giả, người làm sách, nhưng khi thành công, không những họ góp phần chăm chút đời sống tinh thần cho thế hệ tương lai mà còn được bù đắp xứng đáng từ sự yêu quý của con trẻ. Mong rằng sẽ có thêm nhiều người dấn bước.

An Nhi