Hướng tới một năm tăng trưởng vượt bậc

Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 08/10/2018

(HNM) - Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm về tình hình kinh tế 9 tháng, cũng như gợi mở về khả năng GDP sẽ tăng vượt chỉ tiêu khi kết thúc năm 2018.

Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam


- Ông đánh giá thế nào về sự đóng góp vượt bậc của các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu và đầu tư vào tăng trưởng GDP từ đầu năm đến nay?

- Những lĩnh vực này chính là các động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam 9 tháng qua, với GDP tăng 6,98% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 8 năm gần đây. Trong đó, ngành Công nghiệp với vai trò là mũi nhọn, duy trì mức tăng trưởng khá là 8,98%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đáng lưu ý, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng tới 12,65%.

Nông - lâm nghiệp và thủy sản cũng là một trong những động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng 9 tháng qua. Khu vực này đã đóng góp cho tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 9 tháng 0,62 điểm phần trăm. Hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản đang từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn; mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đạt gần 179 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, chúng ta đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ngày càng tăng trưởng tốt, với tốc độ tăng của 9 tháng đạt 17,5%, cao hơn tốc độ tăng 14,6% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; đây là sự bứt phá rất đáng ghi nhận. Nhờ xuất khẩu tăng mạnh mà nền kinh tế đã xuất siêu gần 5,4 tỷ USD giá trị hàng hóa.

Cùng với đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư trong những tháng vừa qua có nhiều chuyển biến tích cực. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng qua tính tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, bằng 34% GDP; đặc biệt khu vực ngoài nhà nước đạt mức tăng rất cao là 17,7%.

- Tốc độ tăng trưởng GDP của các quý không diễn ra theo xu hướng tăng dần qua từng quý, vậy theo ông vì sao không giống như dự báo từ đầu năm?


- Trước đây, căn cứ vào tình hình thực tế về năng lực sản xuất của nền kinh tế, chúng tôi dự báo xu thế tăng trưởng năm nay sẽ khác với mọi năm, tức là không còn xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước. Ngược lại, sẽ theo hướng tốc độ tăng trưởng giảm dần qua từng quý.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy, GDP quý I tăng 7,45%, quý II tốc độ tăng giảm xuống còn 6,73% nhưng đã bật lên trong quý III với mức tăng 6,88%. Việc đảo chiều trong xu hướng tốc độ tăng GDP tính theo quý so với dự đoán ban đầu của chúng tôi khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc kiểm tra tình hình thực hiện của từng lĩnh vực trong từng tháng, từng quý ngay từ đầu năm nhằm đạt được mức tăng trưởng tối đa có thể. Nhờ đó, chúng ta đã có kết quả tăng trưởng 9 tháng cao như vậy.

- Dường như kết quả kiểm soát lạm phát đang là điểm yếu nhất trong bức tranh kinh tế 9 tháng qua. Vậy, chúng ta cần giải pháp nào để giữ được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá 4%?

- Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục tăng lãi suất kéo theo đồng USD tăng giá, biến động của giá cả hàng hóa thế giới và thiên tai bão lũ phức tạp, thì CPI bình quân 9 tháng qua tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 là một thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát. Điều đó góp phần củng cố kinh tế vĩ mô, trong khi vẫn tạo điều kiện để điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý tiệm cận dần theo giá thị trường.

Song, để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 dưới 4%, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để có biện pháp ứng phó hợp lý; theo dõi biến động của đồng USD, đồng nhân dân tệ và giá các mặt hàng quan trọng như: Xăng dầu, thịt lợn, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải… và tình hình thời tiết để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

- Ông có nhận định gì về dự báo GDP cả năm sẽ tăng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra?

- Tính đến hết tháng 9, tăng trưởng GDP đã đạt 6,98% nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm nay như kế hoạch thì tăng trưởng GDP quý IV cần đạt mức 6,11%. Đến nay, hiệu quả bước đầu của chuyển dịch cơ cấu trong khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản kết hợp với năng lực sản xuất của nền kinh tế ngày càng được mở rộng, các yếu tố thuận lợi trong thương mại quốc tế, cùng với quyết tâm điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tôi tin mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khả thi. Thậm chí, GDP có thể cao hơn chỉ tiêu nói trên và chúng ta có quyền hy vọng vào một năm thắng lợi của nền kinh tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Sơn