Làng Giàn – Trung Kính Hạ
Xã hội - Ngày đăng : 19:34, 05/04/2005
(HNMĐT) - Làng Trung Kính Hạ tên Nôm là làng Giàn, vốn từ làng Kính Chủ, tức Trung Kính tách ra. Theo thần phả và truyền thuyết, vào đời Hùng Duệ Vương, Kính Chủ đã là một trang đông đúc, cảnh đẹp, dân sống ổn định. Khi trong nước có giặc phía Tây xâm lấn, có ông Hùng Nộn người dòng dõi vua, làm chủ trưởng Ô Châu đã đem quân đến đóng ở Kính Chủ để làm một điểm phòng ngự chống giặc.
Ông lấy người con gái trong trang là Nguyễn Thị Cẩn (Cẩn Nương), đẹp người, đẹp nết làm vợ. Về sau, hai ông bà dẫn đại quân (trong đó có 142 trai tráng của trang) ra trận đánh giặc phương Bắc xâm lấn. Giặc tan, Hùng Nộn được phong làm Bảo Quốc hầu, rồi Bảo Quốc công, cho lập dinh cơ ở giữa cánh đồng, trên một khu đất cao gọi là Gò Đường. Dân làng Kính Chủ cũng theo ra đó lập trại. Sau đó, người các nơi, đông nhất là người các làng Yên Quyết (Cót), An Thọ cũng đến sinh sống đông dần, trở thành làng mới gọi là làng Giàn, tên chữ là Trung Kính Hạ, cùng với thôn Thượng hợp thành xã Trung Kính (từ đầu thế kỷ XIX trở đi thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức; năm 1942 thuộc Đại lý Đặc biệt Hà Nội). Năm 1926, dân số của cả xã Trung Kính là 1531 người. Dân đinh của làng Giàn chia làm ba giáp (Nhất, Đông, Cả).
Năm 1949, làng Giàn nhập với hai làng Trung Kính Thượng và Hòa Mục thành xã Trung Kính thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội. Năm 1955 xã Trung Kính đổi thành xã Trung Hòa thuộc quận V, năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Đến năm 1997 xã Trung Kính trở thành phường thuộc quận Cầu Giấy.
Dân làng Giàn cũng như làng Thượng xưa đều sống bằng nông nghiệp. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng có rất nhiều ruộng, trong đó có một số lớn ruộng công đem chia cho các trai đinh, nhiều ít tùy từng giáp (giáp Đông và giáp Cả mỗi người được một sào, giáp nhất được nửa sào). Tuy nhiên, phần lớn số ruộng tư đều nằm trong tay các địa chủ nên dân làng phải lĩnh canh ruộng của làng Cót bên cạnh. Dân làng Giàn làm ruộng rất giỏi, thường đạt năng suất cao nên có nhiều thóc. Câu ca “Lúa làng Giàn quan Kẻ Mọc” xuất phát từ đây.
Ngoài trồng lúa, làng Giàn có nghề làm hương sạ. Việc làm hương này cầu kỳ hơn làm hương đen của làng Thượng, để hương nhỏ đều và thơm. Tại giữa làng hiện vẫn còn ngôi miếu thờ tổ nghề làm hương (không rõ là ai). Hàng năm, những người làm nghề đem lễ đến đây để nhớ đến tổ nghề. Từ nghề làm hương, dân làng lại học nghề chẻ tăm, vót đũa để bán.
Làng Trung Kính Hạ còn ngôi chùa Báo Ân, chưa rõ được dựng từ bao giờ. Trong chùa hiện còn quả chuông đúc năm Chính Hòa thứ 13 (1392) ghi tên những người cúng tiền để đúc chuông, trong đó có cả một số vương phi, quận chúa.
Làng Giàn cũng có Văn chỉ dựng ở đầu làng. Đây là Văn chỉ chung cho cả làng Thượng, tuy nhỏ nhưng khá đẹp. Do làng không có người đỗ đạt nên bia đều không ghi chữ, song hàng năm, vào dịp Xuân - Thu tế (ngày Đinh của tháng Hai và tháng Tám), hội Tư văn vẫn đến tế.
Làng Giàn tổ chức hội cùng với làng Thượng. Ngày mồng hai tháng Chín là ngày thần khao quân, mỗi giáp phải có một cọn lợn lợn đực đen tuyền, do một người trong giáp đến lượt nuôi rất cầu kỳ, cẩn thận hàng năm trời (tục nuôi lợn thờ) đem giết để tế thần. Ngày mồng 10 tháng Hai là ngày sinh của thần, hai làng rước bài vị từ đình thôn Thượng xuống thôn Hạ rồi lại rước về. Mỗi giáp chỉ làm cỗ xôi gà để tế.
Ngày nay, làng Giàn - Trung Kính Hạ đã trở thành phố phường với nhiều khu nhà cao tầng mọc lên - khu đô thị Trung Hòa.
TS. Bùi Xuân Đính