Chung tay vì môi trường
Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 09/10/2018
Chân cột điện tại ngách 6, ngõ 107 phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình đã sạch rác nhờ nỗ lực của người dân. Ảnh: Minh An |
Tại buổi lễ trao giải cuộc thi viết: “Phụ nữ với trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị” năm 2018 ở Hội Liên hiệp phụ nữ Thủ đô, bà Phạm Thị Dung (Bí thư Chi bộ tổ dân cư số 2, Đảng bộ phường Vĩnh Phúc), Trịnh Thị Cát (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 2, phường Vĩnh Phúc), Lê Thị Dậu (Tổ trưởng phụ nữ số 2, Chi hội phụ nữ số 2, phường Vĩnh Phúc) gây chú ý bởi câu chuyện dung dị của mình. Chuyện bắt nguồn từ việc họ cùng nhân dân trong tổ dân cư số 2 “xóa sổ” được 2 điểm đổ rác "nổi tiếng" cố thủ tại chân cột điện ở số 62 phố Vĩnh Phúc và ngách 6, ngõ 107 phố Vĩnh Phúc. Những năm trước, người dân quanh đó cứ mặc nhiên vứt rác ra hai “điểm đen” này, bất kể giờ giấc. Thấy chân cột điện đầy rác nên những người từ nơi khác cũng tiện tay thả rác, mặc nhiên coi đây là điểm tập kết rác. Rác chất đống, bốc mùi nồng nặc, ruồi bọ… gây mất vệ sinh, mất mỹ quan.
Không thể để cảnh này tái diễn, cả ba người phụ nữ trên xác định phải đi đầu trong việc giải quyết những “chân rác”. “Trước là vì chính mình cũng như người thân của mình, sau là để con phố sạch đẹp hơn. Nghĩ thế nên chúng tôi bắt tay vào dẹp tệ đổ rác bừa bãi” - bà Phạm Thị Dung kể. Thời gian đầu, các bà chia nhau canh ở “chân rác”. Gặp người quen còn giải thích được nhưng nhiều khi gặp người từ nơi khác đến thì các bà cũng khó “đỡ” trước những câu nói kiểu: “Tôi cứ vứt đấy”... Nhưng sau đó người đổ rác từ nơi khác cũng phải chùn tay khi thấy các bà đứng canh với thái độ kiên quyết.
Ngoài ra, các bà cùng chị em hội viên phụ nữ đi vận động các hộ gia đình đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Tuy nhiên, thuyết phục chỉ là một giải pháp. Nhắc nhở, thậm chí ghi lại hình ảnh để chính quyền tác động đến người đổ rác bừa bãi cũng được thực hiện. Bà Dung khoe: “Giờ đây có thêm chiếc điện thoại dễ chụp, dễ ghi hình nên việc giám sát đổ rác đã thuận lợi hơn. Điều này cũng một phần đến từ chỉ đạo của chính quyền phường, phải phạt nguội những trường hợp đổ rác bừa bãi”.
Gần một năm nay, những “chân rác” từng khiến người dân ở tổ dân cư số 2 bức xúc đã không còn. Người trong phường gọi vui các bà là “Đội quân tóc dài” để ghi nhận những nỗ lực vì cộng đồng của họ.
Nhìn nhận về việc làm của những người phụ nữ tại phường Vĩnh Phúc qua cuộc thi viết “Phụ nữ với trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị” năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng: “Chính họ đã tôn thêm vẻ đẹp của Hà Nội bằng tình yêu Hà Nội cùng những việc làm cụ thể, thiết thực của mình. Bài học từ cách làm của họ cần được tập hợp để phổ biến tại các cơ sở”.
Tạm yên với tệ đổ rác bừa bãi, đến giờ cả bà Dung, bà Cát, bà Dậu vẫn đau đáu với tệ dán quảng cáo bừa bãi. Mấy năm trước, cả tổ dân cư số 2 cũng như nhiều tổ khác trong phường hào hứng tham gia xóa “rác tường”. Có thời điểm, hiện tượng này đã giảm hẳn.
Thế nhưng nay, “rác tường” trở lại ào ạt. Các bà kể, giấy dán dày hơn trước, keo dán cũng dính bám hơn nên việc xóa bỏ mất thời gian và khó hơn. Người dân trên địa bàn cũng bức xúc, từng gọi điện đến chủ cơ sở đăng quảng cáo trên tường. Chỉ một lúc sau, người của cơ sở kia tìm đến vì ngỡ được thuê, nhưng khi biết bị gọi vì dán quảng cáo trên tường thì họ bỏ đi ngay. “Chúng tôi cũng cố gắng bóc xóa quảng cáo trên tường, trên cột điện nhưng thực sự không xuể. Bây giờ họ dán quảng cáo vào đêm nên rất khó ngăn chặn. Chỉ còn cách là xử lý nghiêm chủ cơ sở có quảng cáo. Mà việc này thì ngoài tầm của chúng tôi”, bà Trịnh Thị Cát nói.
Có lẽ, trăn trở của những người phụ nữ tận tâm ở phường Vĩnh Phúc cũng là nỗi niềm chung ở nhiều nơi tại Hà Nội. Nhiệt tình, trách nhiệm của họ chưa đủ nếu không có sự chung tay của các đơn vị có trách nhiệm.