Giải phóng mặt bằng quyết định tiến độ hoàn thành dự án

Kinh tế - Ngày đăng : 10:07, 10/10/2018

(HNMO) - Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn của các dự án truyền tải điện. Người dân bao giờ cũng mong muốn có được đơn giá bồi thường thỏa đáng khi bị thu hồi đất.

Hội đồng đền bù, GPMB các địa phương không chỉ giải quyết cho các dự án của ngành điện mà còn rất nhiều dự án khác như giao thông, thủy lợi, xây dựng... trong khi nguồn lực tài chính có hạn. Vì vậy, việc giải quyết các vướng mắc không dễ dàng. Khi còn hộ dân chưa chấp thuận đơn giá bồi thường của chủ đầu tư thì cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác.

Đơn cử như dự án trạm biến áp (TBA) 220kV Quang Châu (Bắc Giang), từ việc vài hộ chưa đồng ý với đơn giá bồi thường của địa phương đã phát sinh đơn thư phản ảnh thiếu căn cứ về tác động môi trường, gây ảnh hưởng tới tiến độ thi công trên công trường.

TBA 220 kV Quang Châu được đầu tư xây dựng tại xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang theo Quy hoạch phát triển điện VII (điều chỉnh) nhằm đáp ứng nhu cầu điện đang không ngừng tăng cao (đặc biệt là các phụ tải công nghiệp quan trọng) của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang như dự án cấp điện cho Nhà máy Samsung (Bắc Ninh), các khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).


Dự án động thổ tháng 12-2017 và theo kế hoạch sẽ đóng điện vào tháng 12-2018, nhưng đã mất đến 7 tháng để GPMB, tức là đơn vị thi công mới tiếp nhận bàn giao mặt bằng thi công từ chính quyền địa phương vào tháng 7-2018. Như vậy, thi công công trình trong 5 tháng mới đảm bảo tiến độ dự kiến.

Việc lựa chọn đặt TBA 220kV Quang Châu tại xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu kỹ thuật cho việc xây dựng trạm biến áp 220kV Quang Châu và đấu nối các xuất tuyến đường dây.

Đặc biệt, tác động đến đời sống kinh tế-xã hội cũng như môi trường ở địa phương ở mức thấp nhất. Vị trí này phù hợp với quy hoạch và được sự nhất trí của UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và đầu tư, UBND xã Vân Trung.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung Nguyễn Đình Thọ cho biết, dự án nằm trên đất nông nghiệp nên không gây thiệt hại về nhà ở, vật kiến trúc của người dân địa phương. Trong giải pháp thi công, Chủ đầu tư và các đơn vị thi công cũng đã tính đến những khả năng gây ô nhiễm môi trường không khí trong quá trình chuẩn bị cũng như quá trình thi công, như: Bụi phát sinh từ hoạt động đào đắp xây dựng, san lấp mặt bằng cho TBA và móng cột của dự án; bụi phát sinh từ hoạt động vận chuyển, bốc dỡ vật liệu và thiết bị xây dựng... và đã đề ra các giải pháp khắc phục để ảnh hưởng ở mức độ thấp nhất cho người lao động trên công trường và người dân sống gần khu vực thi công.

Mức độ khuếch tán bụi từ hoạt động san lấp mặt bằng được tính toán căn cứ trên hệ số ô nhiễm và lượng đất đào và đắp theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ. Kết quả tính toán cho thấy nồng độ bụi quá trình đào đắp các hạng mục TBA nhỏ hơn giá trị cho phép trong QCVN 05:2013/BTNMT.

Hoạt động của các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, đất đá thải sử dụng chủ yếu là xe tải động cơ Diezel trọng tải từ 3,5 - 12 tấn. Theo tính toán tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường, lượng khí thải phát ra trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu dự án đều nhỏ hơn giá trị cho phép trong QCVN 05:2013/BTNMT.

Dựa vào hệ số ô nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thiết lập, lượng khí thải do máy móc thi công với khoảng cách tính toán đều nằm trong phạm vi cho phép. Trên thực tế, vị trí xây dựng trạm và móng cột được đặt ở vị trí địa hình bằng phẳng là cánh đồng lúa, thoáng đãng, gió mát nên hàm lượng bụi, khí do máy móc thải ra sẽ phát tán rất nhanh và hoà vào không gian rộng lớn nên ảnh hưởng này càng nhỏ, coi như không đáng kể.

Chất thải lỏng trên công trường thi công chủ yếu là nước thải sinh hoạt và nước thải do hoạt động thi công, ngoài ra có nước mưa chảy tràn.


Trong giai đoạn thi công nước sử dụng trong xây dựng ít, chủ yếu được dùng trộn vữa, trộn bê tông, bảo dưỡng bê tông. Do hầu hết xây dựng các hạng mục TBA và móng cột đường dây đều nằm trên khu vực đồng bằng và thi công ưu tiên vào mùa khô nên không có nước mưa chảy vào hố móng.

Mặt khác, theo điều tra địa chất, mực nước ngầm thấp hơn cao trình đáy móng nên không xuất hiện nước trong các hố móng. Vì thế, quá trình thi công nước thải bơm ra từ các hố móng sẽ chảy vào bể trữ, bãi lắng nước thải trước khi thải ra ngoài để không làm ảnh hưởng đến đất hoặc nước mặt khu vực thi công dự án.

Theo ước tính, lượng chất ô nhiễm do chất thải lỏng phát sinh của công trường là không cao, xảy ra ngắn hạn trong thời gian thi công, không liên tục và ở mức độ nhỏ. Tuy vậy, nhà thầu thi công vẫn có biện pháp thu gom lượng nước này vào bể trữ, bãi lắng nước thải trước khi thải ra nguồn tiếp nhận nước mặt nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vân Trung Dương Ngô Tuân, trong quá trình thi công dự án, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, biện pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường do dự án gây ra; hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành các hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án; cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan khi được yêu cầu.

Chủ đầu tư đã thực hiện tốt chính sách bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng; đền bù thỏa đáng, đúng luật cho người dân về đất đai, hoa màu trên đường dây truyền tải đi qua. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4 hộ dân thuộc thôn Vân Cốc 2 chưa đồng ý với đơn giá bồi thường, hỗ trợ theo các quy định hiện hành của UBND tỉnh Bắc Giang là số hộ có đất nằm ở phần mở rộng đường vào TBA.

Ông Dương Ngô Tuân cũng cho biết, UBND xã đã 3 lần có biên bản vận động và trực tiếp gặp gỡ các hộ còn vướng mắc trong công tác đền bù GPMB để tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của dự án trong việc phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thời gian tới; đồng thời vận động người dân đồng thuận thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tạo điều kiện thực hiện dự án.

Thời gian hoàn thành dự án chỉ còn hơn 2 tháng, nên hiện nay trên công trường luôn có từ 150-200 cán bộ công nhân viên chia ca làm việc liên tục từ 6h sáng đến 21h đêm để bảo đảm tiến độ của dự án. Việc đảm bảo tiến độ thực hiện dự án TBA 220kV Quang Châu là hết sức cấp thiết, không chỉ bảo đảm đủ điện cho phát triển đời sống dân sinh mà còn là đáp ứng nhu cầu cho sản xuất tại các khu công nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Việc đền bù, GPMB đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các địa phương chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành điện, UBND tỉnh Bắc Giang phải có trách nhiệm đảm bảo tiến độ GPMB để đáp ứng tiến độ thi công công trình.

Mai Linh