Thu bền vững, chi hợp lý

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 11/10/2018

(HNM) - Thu, chi luôn là những hoạt động đồng thời có tác động kép tới tính bền vững đối với ngân sách quốc gia. Càng về cuối năm, việc nhìn nhận, tổng kết để tiếp tục duy trì kết quả, cũng như điều chỉnh các bước đi nhằm tạo nguồn thu ngân sách bền vững, càng được quan tâm.


Một vài nét chuyển động tích cực về thu ngân sách năm 2018 đã được phác rõ: Đó là dự kiến thu ngân sách vượt dự toán 40.000 tỷ đồng, tương đương 3% như Nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ. Đặc biệt, kết quả này thể hiện nổi bật qua một số yếu tố như tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt hơn 20,7% GDP; trong khi đó tỷ lệ bội chi thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Rồi chi đầu tư phát triển cao hơn so với các năm trước… Những kết quả trên cũng góp phần củng cố thành quả chung trong lĩnh vực này sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Tài chính.

Tuy nhiên, quản lý thu, chi ngân sách là việc làm thường xuyên không chỉ đòi hỏi hiệu quả trước mắt mà còn đặc biệt cần tính đến lâu dài.

Nhìn lại những kết quả tổng thể trong vài năm qua, thì độ bền vững đo được trong nhiều yếu tố chưa cao. Ví như, thu nội địa có năm chiếm tỷ lệ cao so với tổng thu, nhưng về bản chất là còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công. Đáng nói hơn, ngân sách vẫn bị mất mát do tình trạng chuyển giá, định giá thấp hơn giá thị trường khi cổ phần hóa, trốn thuế, gian lận thương mại chưa thể kiểm soát hết. Trong khi thu khó khăn như vậy nhưng chi thường xuyên lại vẫn ở mức cao…

Chính vì vậy, để có được nguồn tài chính mạnh, bền vững cho quốc gia, phải đồng thời điều chỉnh các yếu tố có tác động tới cả hai vế: Thu bền vững và chi hợp lý. Cụ thể, phải giải quyết hiệu quả, lâu dài, quyết liệt tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại để bù đắp, trả lại nguồn thu chính đáng cho ngân sách. Đây cũng là nội dung quan trọng bảo đảm nguồn thu ổn định, nhất là khi dư địa tăng thu ngân sách nhìn thấy trước sự giảm sút bởi việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cấu trúc thu ngân sách nhằm hướng đến những nguồn thu ổn định, tiềm năng, bền vững hơn như khuyến cáo của các chuyên gia rất cần sớm được thực hiện. Ví như, tăng thu nội địa hợp lý, điều chỉnh tỷ trọng một số sắc thuế chủ yếu, trong đó chú ý nguồn thu tiềm năng chưa được khai thác hết như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân.

Đáng chú ý nữa, ngoài bồi dưỡng nguồn thu, thì chi hợp lý luôn là yếu tố không thể xem nhẹ, nhất là kiên quyết loại bỏ những khoản chi không cần thiết, lãng phí. Thực tế cho thấy, với những nỗ lực lớn, bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 được dự báo thấp hơn mục tiêu đề ra và nhìn lại cả quá trình thì con số này cũng đang giảm dần theo từng năm. Phần chi giảm được này cũng đóng góp không nhỏ cho sự bền vững của nguồn ngân sách cả về trước mắt và lâu dài.

Tất nhiên, bên cạnh thu thuế đúng đối tượng, hiệu quả, chi hợp lý, tiết kiệm thì đồng thời, quan trọng hơn hết là phải tạo ra dư địa cho nguồn thu. Dư địa ấy chính là nội lực mạnh mẽ của nền kinh tế, với sự tự chủ cao, tính ổn định lớn, tận dụng tốt hội nhập quốc tế nhưng giảm tối đa tác động từ các yếu tố bên ngoài. Trong đó, có một yếu tố quan trọng được các chuyên gia chỉ rõ là tiếp tục tái cấu trúc ngân sách, chính sách thuế, quản lý thuế làm sao không chỉ làm đầy ngân khố quốc gia mà quan trọng là thúc đẩy trở lại sự phát triển kinh tế, cổ vũ cho đầu tư phát triển.

Đây cũng chính là tinh thần mà Chính phủ đã khẳng định trong mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và các năm tiếp theo.

Hà An