Gỡ khó cho công tác pháp chế
Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 11/10/2018
Tổ chức pháp chế ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao; tổ chức thực hiện công tác xây dựng pháp luật, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Những năm gần đây, theo dõi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ của lực lượng này… Do đó, đội ngũ cán bộ pháp chế đòi hỏi cần được tổ chức chặt chẽ hơn và kiện toàn về cơ cấu.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, so với thời điểm ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức pháp chế, hiện nay, đội ngũ pháp chế ở các cơ quan trung ương được tăng cường (hiện có 1.455 người), trình độ, năng lực không ngừng được nâng cao, kỹ năng giải quyết các vụ việc ngày càng hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, vẫn còn lãnh đạo một số bộ, ngành vẫn chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác pháp chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này…
Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", đội ngũ làm công tác pháp chế chuyên trách ở địa phương có sự thay đổi, riêng 6 tháng đầu năm 2018 giảm 116 người so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều nơi sau khi đã thành lập Phòng Pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP phải giải thể về tổ chức nhưng nhiệm vụ vẫn còn hoặc chuyển giao các đầu mối công việc, từ công tác xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật… đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Sở dĩ có tình trạng này, vì trong các thông tư, thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành khác có sự chưa thống nhất về tổ chức pháp chế trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng không quy định phòng pháp chế thuộc cơ cấu “cứng” của cơ quan chuyên môn, nên ở địa phương, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa thống nhất.
Chẳng hạn ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, số phòng chuyên môn nghiệp vụ trung bình là 6 phòng (trừ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh số lượng được phép lớn hơn). Như vậy, nếu thành lập Phòng Pháp chế sẽ dẫn tới sở có 7 phòng chuyên môn nghiệp vụ, tăng số lượng phòng chuyên môn nghiệp vụ so với quy định. Điều này đã gây khó khăn, lúng túng cho cơ sở...
Trước tình trạng trên, Bộ Tư pháp đã có nhiều công văn hướng dẫn các sở thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của phòng Pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở nghị định này, các bộ sẽ chủ động xây dựng các thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Trong quá trình xây dựng nghị định, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo nghị định, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm công tác thi hành pháp luật được thông suốt từ trung ương đến địa phương…