Hướng tới các khoản thu bền vững

Tài chính - Ngày đăng : 06:23, 11/10/2018

(HNM) - Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2018 tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng cao nhất 3 năm gần đây.

Xuất khẩu thủy sản là một trong những thế mạnh của kinh tế Việt Nam thời gian qua. Ảnh: Sơn Hà


Chuyển dịch theo hướng tích cực

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 9 năm 2018 đạt 86,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 962,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa là 763,6 nghìn tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán, tăng 14,3%. Không kể các khoản thu: Tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế và thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước; số thu nội địa còn lại là 588,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,8% dự toán, tăng khoảng 13%.

Được biết, thu từ dầu thô 9 tháng đạt 48,1 nghìn tỷ đồng, bằng 134% dự toán, tăng 42,5%. Thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 223 nghìn tỷ đồng, bằng 78,8% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển là 203,6 nghìn tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, dự kiến thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 40.000 tỷ đồng, tương đương 3% theo đúng nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu của Chính phủ. Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm nay có nhiều điểm nổi bật. Đó là, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt hơn 20,7% GDP; tỷ lệ bội chi năm 2018 ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (3,7%). Trong cơ cấu chi, chi đầu tư phát triển năm 2018 đạt 26,2% tổng chi ngân sách, cao hơn so với tỷ lệ các năm trước.

Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành Tài chính đã đạt những kết quả tích cực. Nhờ đó, bội chi được kiểm soát từ 5,12% GDP năm 2015, xuống còn 3,6% GDP năm 2016. Cùng với đó, nợ công được kiểm soát tốt hơn, nên cuối năm 2017, chỉ còn hơn 61% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát dưới 50%. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã tăng từ 21đến 22% lên 26%.

Tuy nhiên, dù tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí đã chiếm khoảng 27% GDP, nhưng thu ngân sách nhà nước vẫn chưa bền vững. Các khoản thu nội địa năm 2017 chiếm khoảng 82% tổng thu, song một bộ phận thu nội địa ở địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn.

Cơ cấu ngân sách đã có chuyển biến tích cực, nhưng chi thường xuyên còn cao, trong khi chi đầu tư phát triển có chiều hướng giảm. Dư địa tăng thu của ngân sách hiện nay có xu hướng giảm dần trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập quốc tế.

Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thảo luận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, các đại biểu đều cho rằng độ mở nền kinh tế khá lớn, thể hiện rõ chỉ tiêu kim ngạch xuất, nhập khẩu hằng năm và dự ước năm 2018 tăng khá cao. Thị trường xuất khẩu được mở rộng tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thu ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, nổi bật là thu nội địa tăng khá, chiếm 82% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước.

Nhiều đại biểu ghi nhận việc bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 dự tính khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 3,7% cho thấy điều hành thu chi ngân sách khá chặt chẽ và bội chi ngân sách giảm dần hằng năm.

Bồi dưỡng các nguồn thu bền vững

Hướng dẫn người dân thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Viết Thành


Nêu giải pháp nhằm tái cơ cấu ngân sách nhà nước, tạo nguồn thu bền vững, PGS. TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính phân tích: Cấu trúc thu ngân sách nhà nước đang có những hạn chế nhất định và tiềm ẩn những nguy cơ đối với tính bền vững của nguồn thu xét trong bối cảnh thay đổi của kinh tế thế giới. Cấu trúc thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc một số khoản thu không bền vững trong dài hạn, thậm chí có thể biến động ngay trong ngắn hạn là dầu thô và thu tiền sử dụng đất.

PGS. TS Lê Xuân Trường cũng cho rằng, hiện nay chưa phát huy tốt vai trò của một số sắc thuế quan trọng như thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập cá nhân. Số thu tuyệt đối từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cả số thu danh nghĩa và số thu thực tế, nhưng mức tăng còn thấp so với tiềm năng kinh tế có thể khai thác. Để tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý thu chi ngân sách nhà nước, cần cấu trúc lại nguồn thu ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm thu bền vững. Cấu trúc thu ngân sách nhà nước phải tương thích với trình độ phát triển của nền kinh tế. Do đó, cần tiếp tục điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng thu từ thuế, tăng thu nội địa một cách hợp lý và điều chỉnh tỷ trọng thu một số sắc thuế chủ yếu trong hệ thống thuế.

Dưới một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, để giải quyết bài toán tái cấu trúc ngân sách, chính sách thuế, quản lý thuế phải tác động đến việc thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển. Nguồn thu chính phải được tạo ra từ nội lực nền kinh tế, không bị tác động từ các yếu tố bên ngoài. Nên mở rộng diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng mới và tăng cường biện pháp quản lý thu thuế đối với một số hàng hóa đang thất thu thuế lớn như rượu do dân tự nấu, vàng mã… Đồng thời, cần nghiên cứu mở rộng thêm một số đối tượng khai thác loại khoáng sản có lợi nhuận thu được lớn, qua đó bảo đảm tăng thu ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bồi dưỡng các nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước chính là hướng đi phù hợp tất yếu. Đây cũng là quan điểm đã được Chính phủ nhấn mạnh khi xác định mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và các năm tiếp theo, đó là: Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ gắn với cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công; mở rộng và nuôi dưỡng nguồn thu thuế, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá... 

Đức Anh