9 tháng, cả nước ghi nhận hơn 53.000 trường hợp mắc tay chân miệng

Xã hội - Ngày đăng : 06:20, 12/10/2018

(HNM) - Chiều 11-10, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm, động viên các y, bác sĩ và bệnh nhi bị tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Phó Thủ tướng động viên gia đình có người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Đình Nam


Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, 9 tháng năm 2018, trên địa bàn có 4.066 ca mắc bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Riêng Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 9 tháng đã tiếp nhận 2.180 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 46 ca nặng (độ 3, 4) và 1 ca tử vong.

Cung cấp thêm thông tin về tình hình dịch tay chân miệng, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, 9 tháng năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc bệnh tích lũy cao và gia tăng nhanh trong mấy tuần gần đây là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh... với hơn 40.000 ca từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%).

Về diễn biến dịch sởi, dù chưa thấy biểu hiện bất thường nhưng ông Trần Đắc Phu cũng cảnh báo về chu kỳ của bệnh này là sau 4-5 năm có thể bùng phát do mỗi năm vẫn sót lại khoảng 10% trẻ chưa được tiêm chủng. Tới đây, ngành Y tế sẽ phát động một số đợt tiêm vét để giảm nguy cơ dịch sởi bùng phát.

Tới thăm một số khoa, phòng ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đã căng mình ngày đêm chống dịch trong những lúc cao điểm. Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh phòng chống dịch tay chân miệng thì cũng không được chủ quan với diễn biến dịch sởi đang trong chu kỳ có khả năng bùng phát.

Hà Tuấn