Nguyễn Huy Thiệp: Đừng "tưởng bở" cuộc sống có nhiều ý nghĩa!
Văn hóa - Ngày đăng : 12:41, 05/04/2005
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: - Viết văn là một công việc khó khăn. Đó là một hình thức lao động đặc biệt. Tôi không biết tôi đã thành công đến đâu trong cái nghề đặc biệt ấy. Có điều, tôi luôn cố gắng, luôn toàn tâm toàn ý trong nghề nghiệp của mình.
Những chuyến đi ra nước ngoài giúp tôi tự tin hơn. Tôi giống như một cầu thủ bóng đá Việt Nam được đá ở sân “Công viên các hoàng tử”. Chuyến đi Pháp lần này của tôi hết sức tốt đẹp. Đây là lần thứ 4 tôi đến Pháp, tôi đi theo lời mời của bà Marion Hennebert, giám đốc E’ditions de l’Aube. Mục đích chính chuyến đi Pháp lần này của tôi là cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Tuổi 20 yêu dấu” (à nos vingt ans). Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, nó là một thể nghiệm mới, một cố gắng tự làm mới, một sự thay đổi phong cách viết - có thể nói như vậy...
Nhưng hình như sự cố gắng này đã không đem lại thành công cho ông như các truyện ngắn trước đây?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: - Thành công hay không là...tuỳ bạn đọc. Có người cho nó là thành công, ít nhất đây là ý kiến của nhà NXB đã in sách của tôi. Bản dịch tiếng Pháp in lần đầu 4000 bản (7 tập sách trước đây mỗi lần chỉ in có 2000 bản). Cũng có thể vì độc giả Pháp thích đọc tiểu thuyết hơn truyện ngắn. Về phần tôi, như tôi đã nói ở Việt Nam và ở Pháp, tôi không đánh giá cao về “nghệ thuật” của cuốn tiểu thuyết này, nó mới chỉ đạt 6/10 phong độ và khả năng của tôi.
Song, nó là một cuốn sách cần thiết cho tôi, cho độc giả, cho con tôi, cho các bạn trẻ. Nói về sự thay đổi phong cách viết thì cũng chưa hẳn. Nó được viết bằng ngôn ngữ với cách nhìn của một thanh niên 20 tuổi, một thanh niên “lõi đời”, “bác học”, có phần láo xược và hư đốn. Nhưng, rõ ràng đứa thanh niên này trong sáng. Tôi biết chắc điều ấy.
Vậy, cái gì thực sự gây ra sự thay đổi này trong ông?
NXB E’ditions de l’Aube thành lập năm 1987, sau 18 năm hoạt động, E’ditions de l’Aube đã xuất bản 1000 đầu sách, trong đó cuốn "Tuổi hai mươi yêu dấu" của Nguyễn Huy Thiệp được chọn là cuốn sách thứ 1000. NXB E’ditions de l’Aube chủ trương dịch và in sách của các tác giả ở các “nền văn học nhỏ” và các tác giả “có triển vọng”. Trong danh mục sách của NXB có sách của các tác giả Iran, Afghanistan, Trung Quốc, Algérie, Việt Nam (ngoài Nguyễn Huy Thiệp còn có Tô Hoài, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Bão...). Ngoài ra, còn có rất nhiều tên tuổi lẫy lừng trên thế giới (Václav Havel, Cao Hành Kiện, Tony Blair ...). Danh sách 20 tác giả có sách bán chạy nhất của NXB E’ditions de l’Aube ở Pháp: 1. Cao Hành Kiện, bán được 434131 bản |
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Sống...ý nghĩa của cuộc sống. Cả sự vô nghĩa của cuộc sống nữa. Chúng ta không nên tưởng bở rằng cuộc sống này có nhiều ý nghĩa
"Tuổi hai mươi yêu dấu" chưa được xuất bản ở Việt Nam nhưng đã được dịch và in tại Pháp. Phải chăng giữa ông và NXB E’ditions de l’Aube đã có mối quan hệ "thân thiết"?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: - Có thể nói là như thế. Tôi là người gặp may. Bạn bè vẫn gọi đùa tôi là “cập thời vũ” (mưa đúng lúc). Năm 1987, Marion Hennebert và Jean Viard sáng lập E’ditions de l’Aube, đấy cũng là năm tôi xuất hiện trên văn đàn và nổi tiếng với “Tướng về hưu”. Năm 1990, Marion gặp tôi ở Hà Nội, bà đến nhà tôi và bắt đầu một tình bạn hết sức đẹp đẽ giữa chúng tôi. Mãi sau này tôi mới biết đấy là người đã từng “phát hiện” ra Václav Havel và Cao Hành Kiện. Năm 1990, tôi là nhà văn Việt Nam đầu tiên được E’ditions de l’Aube xuất bản (tập Un Général à la retraite).
Nghĩa là tác phẩm của ông sẽ còn được xuất bản ở Pháp?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Vâng! Nhưng dù sao tôi vẫn muốn xuất bản ở Việt Nam trước đã (đây là nước của tôi mà), dù rằng tôi đứng hàng thứ ba trong danh sách 20 người bán sách chạy của Nhà xuất bản này ở Pháp từ năm 1987 đến nay.
Độc giả Pháp đã tiếp nhận "Tuổi hai mươi yêu dấu" của ông ra sao và họ có cái nhìn như thế nào về tầng lớp thanh niên Việt Nam hiện nay trong thời kỳ mở cửa?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: - Thú thực, tôi không rõ lắm vì sách mới phát hành. Bản dịch của Sean James Rose khá tốt, dù vẫn còn sơ xuất (tôi rất tiếc vì những lời đề từ ở các chương không được dịch, những lời đề từ này giống như những mật khẩu để người đọc hiểu rõ nội dung của chương sách đó).
Khi sang Pháp, một số báo lớn đều có đưa tin và có bài viết về tôi (Le Monde, Télérama, Libérations, Humanité v.v...). Tôi đã có hai buổi ra mắt sách ở Paris, một buổi ở Toulouse, một buổi ở Bordeaux. Có hai buổi nói chuyện ở Đại học Paris VII và Câu lạc bộ sinh viên Việt Nam du học. Còn tầng lớp thanh niên Việt Nam hiện nay trong thời kỳ mở cửa, tôi có nói rằng không phải lo lắng cho họ quá nhiều nếu “những người lớn” chúng ta sống xứng đáng, sống tử tế. Được và mất luôn đi đôi với nhau, sẽ có những thanh niên phải “hy sinh”. Thế hệ chúng tôi cũng vậy. Thế hệ trước chúng tôi cũng thế. Sống - đấy là một quá trình đi dần đến cái chết. Sống vẻ vang, chết nhẹ nhàng là rất thích.
Trong một lần phỏng vấn, ông có nói: "Chưa bao giờ văn học ở nước ta có những cơ hội lớn như bây giờ nhưng cũng chưa bao giờ khó như bây giờ". Ông có thể nói rõ hơn?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Nước ta là nước đang phát triển. Cái gì cũng có khả năng xảy ra với nó. Văn học cũng vậy. Đã có những thành công tầm cỡ quốc tế trong kinh tế, trong... thi hoa hậu (!), sao lại không có ở trong văn học? Tôi cũng tin tôi nữa. Tôi tin ở người Việt Nam mình.
Ông từng cho rằng: "Ở ta phải xây dựng một công nghệ đào tạo nhà văn". Theo ông, công nghệ đào tạo đó phải như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi không phải là nhà tổ chức, người quản lý. Tôi nghĩ nhà nước phải có ý thức xây dựng một công nghệ đào tạo nhà văn giống như trong y tế có trường đào tạo bác sĩ, trong bóng đá có trường đào tạo cầu thủ bóng đá. Tôi thực sự chưa biết “công nghệ đào tạo nhà văn” sẽ như thế nào. Câu nói ấy của tôi chỉ là câu nói bất chợt nhưng tôi tin nhiều người sẽ nghĩ hay hơn tôi.
Điều tôi muốn là những kinh nghiệm văn chương của tôi, của Nguyên Ngọc, của Nguyễn Khải, của Tô Hoài và của nhiều người khác nữa phải có cách nào truyền lại nếu không thì phí quá...Tôi rất tiếc khi người ta bỏ Trường viết văn Nguyễn Du. Khi tôi còn là một giáo viên quèn ở trên vùng núi Tây Bắc, tôi cũng đã từng mơ ước có ngày được vào học ở Trường viết văn Nguyễn Du. Rất nhiều những người viết văn trẻ gặp tôi nói chuyện, họ đều rất muốn đi học ở đâu đấy...
Khi cải biên truyện ngắn "Không có vua" của mình thành kịch "Gia đình", ông đã cho thêm một câu phụ đề đáng phải chú ý: "Quỷ ở với người". Tại sao vậy, phải chăng ông muốn nhấn mạnh yếu tố bản năng thú vật trong đời sống con người hay Quỷ với người chỉ là một?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: - Thật là một câu hỏi khó. Không phải thế đâu! Vở kịch ấy tôi viết lâu rồi. “Chúng ta cần có một dân tộc lương thiện, một cộng đồng lương thiện. Được như thế, nước ta còn hơn cả nước Pháp ấy chứ”. Tôi thích câu nói ấy trong vở kịch “Còn lại tình yêu” cũng được viết cùng thời gian với vở kịch “Quỷ ở với người”. Sao người ta không nhớ đến những điều tử tế mà tôi viết đầy rẫy trong các trang sách của tôi mà lại chỉ nhớ những điều oái oăm mà chính tôi cũng không muốn nhớ? Tôi là Nguyễn Huy Thiệp. Năm nay tôi 55 tuổi. Tôi là nhà văn. Tôi viết văn.
Theo VNN