Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần cách làm mới, hướng đi mới
Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 12/10/2018
Chưa như kỳ vọng
Chị Phạm Thu Hường, thôn La Thiện, xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Nhờ được hỗ trợ học nghề may công nghiệp, tôi có nghề, có việc làm ổn định ngay tại địa phương. Với mức thu nhập trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, tôi có thể đầu tư thêm cho con học hành”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, tổ dân phố 1, phường Văn Quán (quận Hà Đông) mở cửa hàng chăm sóc sắc đẹp khang trang tại khu đất dịch vụ Mộ Lao (phường Mộ Lao) sau khi được hỗ trợ học nghề chăm sóc sắc đẹp. Nghề mới mang lại cho chị Huyền nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp... Trong những năm vừa qua, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp hàng vạn lao động trên địa bàn Hà Nội thuộc diện hưởng các chính sách ưu đãi có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Một lớp khuyến công đào tạo nghề may cho lao động ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt |
Trước khi bước sang quý IV năm nay, toàn thành phố đã mở được 393 lớp đào tạo nghề cho 13.643 lao động nông thôn, đạt gần 57% kế hoạch. Nếu các địa phương cùng “tăng tốc”, thì từ nay đến cuối năm, toàn thành phố có thêm 8.640 lao động qua đào tạo nghề ngắn hạn, đạt khoảng 93% kế hoạch năm. Nhưng đáng lưu ý, hiện nay một số địa phương không tuyển đủ học viên để mở lớp dạy nghề, nhất là với các nghề phi nông nghiệp. Như quận Hà Đông xin trả lại toàn bộ nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề năm 2018, từ chối nhận nguồn kinh phí năm 2019 vì không có người đăng ký học, còn huyện Sóc Sơn chưa mở được lớp dạy nghề…
Lý giải nguyên nhân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: TP Hà Nội đã triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong nhiều năm, nên phần lớn lao động có nhu cầu và đủ điều kiện đã được hỗ trợ học nghề. Đa số lao động còn lại không thuộc diện được hỗ trợ hoặc đã quá tuổi. Một số khác có nhu cầu đào tạo chuyên sâu, nên không lựa chọn hình thức đào tạo ngắn hạn. Với một số nghề phi nông nghiệp, nhu cầu của người học là có thực, song những người mong muốn được học nghề này cư trú ở các địa phương khác nhau, khó tập trung để mở lớp. Đầu ra cho người học gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các địa phương thuần nông... Nhìn chung, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tuy có chuyển biến, nhưng chất lượng, hiệu quả chưa được như kỳ vọng.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Khẳng định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá chi tiết từng ngành, nghề, lĩnh vực cần hỗ trợ đào tạo. Căn cứ vào kết quả đó, các địa phương lập phương án, kế hoạch đào tạo, tránh trường hợp nơi thực sự có nhu cầu lại thiếu kinh phí, nghề cần được đào tạo lại không có trong danh mục được hỗ trợ và ngược lại. Những nghề thị trường cần, người học có đầu ra nên được ưu tiên hỗ trợ.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho hay, mô hình chính quyền và doanh nghiệp cùng tiến hành khảo sát, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai trên địa bàn huyện Chương Mỹ trong những năm gần đây mang lại nhiều lợi ích. Doanh nghiệp có nguồn nhân lực đầu vào chất lượng, muốn làm nghề lâu dài. Người lao động chắc chắn có đầu ra, có thu nhập nên yên tâm đăng ký theo học. Kinh phí đào tạo nghề được huy động từ nguồn xã hội hóa sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách. Đối tượng học nghề cũng mở rộng hơn. Theo hướng này, từ đầu năm đến nay, huyện Chương Mỹ đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 2.500 lao động, vượt hơn 20% kế hoạch. Sau học nghề, nhiều lao động có thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Các huyện Đông Anh, Thanh Trì cũng triển khai bài bản việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trong quá trình tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, người lao động nên đã mang lại hiệu quả tích cực...
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, các địa phương cần chú trọng tới khâu khảo sát, đánh giá nhu cầu của người học và chỉ mở lớp đào tạo nghề khi lựa chọn được cơ sở đào tạo đủ năng lực, chắc chắn có đầu ra cho người học.
Theo Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 4-4-2018 của UBND TP Hà Nội, trong năm 2018, toàn thành phố hỗ trợ đào tạo nghề cho 24.000 lao động nông thôn với 33 nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Sau học nghề, có ít nhất 80% lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. |