Hướng đi mới từ nuôi tôm càng xanh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 12/10/2018

(HNM) - Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm càng xanh thương phẩm do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) đang triển khai là hướng đi mới trong phát triển kinh tế...

Cán bộ Sở NN&PTNT và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiểm tra mô hình nuôi tôm càng xanh siêu đực ở xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì).


Tôm càng xanh, đặc biệt là con đực có tốc độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ thịt cao, mang lại lợi ích kinh tế lớn. Tuy nhiên, lâu nay mô hình nuôi tôm càng xanh siêu đực ở Hà Nội chưa phát triển nhiều do phải đầu tư vốn lớn, khoảng 350 triệu đồng/ha. Trong khi quá trình nuôi tôm đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, quản lý môi trường... Do kinh nghiệm chủ yếu tự học hỏi, nên các hộ nuôi tôm ở Hà Nội còn gặp khó khăn như: Tỷ lệ tôm chết cao, chậm lớn, chưa biết cách sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường, phòng trị bệnh, dẫn đến năng suất tôm thấp...

Nhằm đưa công nghệ sinh học vào sản xuất để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm dinh dưỡng cao, không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, góp phần tạo ra vùng nuôi tôm bền vững, an toàn, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm càng xanh siêu đực thương phẩm”. Mô hình được triển khai trên tổng diện tích 3ha, tại địa bàn các xã: Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), Đông Mỹ (huyện Thanh Trì), thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) với tổng số 450.000 con tôm giống (150.000 tôm giống/ha, tương đương 15 con/m2). Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và được hỗ trợ 100% tôm giống, 30% thức ăn hỗn hợp và chế phẩm sinh học Aqua Clean.

Ông Nguyễn Thế Thục ở thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), một trong số những hộ gia đình được tham gia mô hình chia sẻ: "Cùng với việc được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ, gia đình tôi đã đầu tư thêm khoảng 80 triệu đồng để mua thức ăn, máy móc phục vụ nuôi tôm, vệ sinh, cải tạo ao… Từ khi thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông của huyện và thành phố luôn đồng hành cùng gia đình, trực tiếp đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cho tôm, cách quản lý môi trường… nên hiện nay tôm phát triển tốt”.

Còn tại xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), gia đình chị Trương Thị Xa cũng đã thực hiện nuôi trồng thủy sản từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu là nuôi cá và cũng đã từng nuôi tôm thẻ. Do có kinh nghiệm và điều kiện đầu tư cơ sở vật chất để nuôi tôm càng xanh siêu đực, tháng 5-2018, gia đình chị được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 150.000 con giống và thức ăn, chế phẩm vi sinh, được tập huấn kỹ thuật...

Theo Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Hồng Sơn, các hộ gia đình thực hiện mô hình đã làm tốt kỹ thuật nuôi tôm, cách pha chế chế phẩm sinh học và phòng, chống một số dịch bệnh thường xảy ra trên tôm càng xanh. Đến nay, ở cả 3 nơi thực hiện mô hình, tôm càng xanh siêu đực sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống hơn 75%, nếu chăm sóc tốt có thể đạt từ 2,5 đến 3 tấn/ha…

Theo tính toán của ông Nguyễn Thế Thục, nếu xuất bán tôm càng xanh siêu đực trong tháng 10 và tháng 11-2018, sau khi trừ mọi khoản chi phí, sẽ cho lãi khoảng 150 triệu đồng/ha. Nhưng nếu nuôi thêm thời gian để tôm đạt trọng lượng 20 đến 30 con/kg thì giá có thể lên tới 300.000 đến 350.000 đồng/kg, lãi sẽ cao hơn.

Trung Nguyên