Tiếp đà tăng trưởng xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 13/10/2018

(HNM) - Với vị thế Thủ đô, trung tâm kinh tế quy mô hàng đầu cả nước, Hà Nội đã có mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn mức tăng chung của cả nước. Tuy nhiên, để có được sự hài hòa giữa số lượng và chất lượng, nhân lên thế mạnh và hạn chế những bất cập, tiếp đà tăng trưởng xuất khẩu, đòi hỏi Hà Nội cần tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế của mình...

Hà Nội tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu.


Cao hơn mức tăng chung cả nước

Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong 9 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục có mức tăng trưởng khá và đạt hơn 10,5 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước có kim ngạch 1,445 tỷ USD, tăng 13,5%; kinh tế ngoài nhà nước đóng góp trên 4 tỷ USD, tăng 35,3% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 4,988 tỷ USD, tăng 14,4%. Như vậy, các khu vực đều có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của Hà Nội cao hơn mức tăng chung của cả nước là 15,4%.

Phân tích về mức đóng góp của từng khu vực kinh tế trên địa bàn vào kết quả xuất khẩu chung cho thấy diễn biến trên là hợp lý. Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước nhỏ nhất là do số lượng doanh nghiệp giảm sau quá trình thoái vốn, thực hiện cổ phần hóa để chuyển đổi thành doanh nghiệp ngoài nhà nước. Do đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có mức tăng trưởng ấn tượng 35,3%, đóng góp mức kim ngạch xuất khẩu chỉ sau khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng là kết quả của quá trình tất yếu trên; cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, khai thác tối đa nguồn lực trong dân và xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập là hoàn toàn đúng đắn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, sự “co ngót” về tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế nhà nước là điều dễ hiểu và thuận theo mục tiêu tái cơ cấu nói chung. Thay vào đó là bước bứt phá của doanh nghiệp tư nhân, với sự trưởng thành nhanh chóng và được bổ sung liên tục qua làn sóng khởi nghiệp trên địa bàn.

Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về kim ngạch do có lợi thế về công nghệ, vốn và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam hầu như đã có sẵn “kịch bản” về đầu ra cho sản phẩm; trong đó phần lớn doanh nghiệp đều có sẵn đơn đặt hàng từ các đối tác chiến lược, hoặc từ phía công ty mẹ. Đặc điểm này cũng tương đồng với diễn biến chung của cả nước - khi các nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tận dụng lợi thế, tiềm năng

Đóng góp vào kết quả chung, một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, như gạo đạt kim ngạch 625 triệu USD, tăng 142,9%; xăng, dầu đạt 718 triệu USD, tăng 51,3%; hàng dệt may đạt 1,365 tỷ USD, tăng 18,4%; hàng điện tử đạt 420 triệu USD, tăng 16,1%;... Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là hạt tiêu đạt 50 triệu USD, giảm 39%; chè đạt 51 triệu USD...

Nhận xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, ông Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, Hà Nội còn thiếu vắng nhóm sản phẩm có giá trị cao, có tính áp đảo và thể hiện được tiềm năng sức mạnh kinh tế Thủ đô.

Cũng theo ông Khôi, mặc dù kết quả xuất khẩu 9 tháng qua của Hà Nội khá cao, nhưng nếu xét cả quá trình thì chưa tương xứng với tiềm năng, bởi từ năm 2011 đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hà Nội thấp hơn so với mức chung cả nước.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Phong nhận xét, Hà Nội có đặc thù là không thể tự cung ứng đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu, nên một phần phải phụ thuộc vào thu mua từ các địa phương khác, đòi hỏi các doanh nghiệp Hà Nội và địa phương khác phải có sự liên kết chặt chẽ để bảo đảm sự ổn định. Đây chính là bất lợi cần nhận diện để khắc phục. Mặt khác, do đặc thù và “quán tính” từ trước nên doanh nghiệp tư nhân Hà Nội cũng chưa chú trọng nhiều vào hoạt động xuất khẩu, mà thường làm dịch vụ phục vụ nhu cầu nội địa. Ngoài ra, do nguồn quỹ đất tại chỗ có hạn nên một số doanh nghiệp thành lập mới đã chuyển cơ sở sản xuất sang địa bàn các tỉnh khác, tức là làm mất cơ hội bổ sung năng lực xuất khẩu của Thủ đô.

Từ đó, ông Phong đề xuất, bên cạnh chính sách khuyến khích doanh nghiệp tập trung nguồn lực phục vụ xuất khẩu, Hà Nội có tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch, đón khách quốc tế để xuất khẩu tại chỗ... Bên cạnh đó là chủ động thúc đẩy dịch vụ vận tải hàng không, bảo hiểm, ngân hàng... qua đó góp phần tăng nguồn ngoại tệ như một hình thức xuất khẩu thay thế cho xuất hàng qua biên giới. "Đây là thế mạnh của Hà Nội nhờ nguồn tài chính và chất lượng nhân lực mà không phải địa phương nào cũng có tiềm năng" - ông Phong nói.

Cho rằng thế mạnh của Hà Nội là nguồn nhân lực có chất lượng cao, ông Lê Huy Khôi gợi ý, Hà Nội tập trung phát triển các dịch vụ quốc tế, phần mềm tin học, xuất khẩu chuyên gia... Bên cạnh đó, hỗ trợ tối đa Khu công nghệ cao Hòa Lạc để hun đúc, nhân lên thế mạnh chất xám trên địa bàn, kết hợp với thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ để tận dụng năng lực các làng nghề...

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, lực lượng doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng, thật sự là động lực phát triển kinh tế và xuất khẩu. Từ đó, thành phố luôn chỉ đạo Sở, các ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân ra đời, trong đó có những đơn vị làm hàng xuất khẩu...

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu của TP Hà Nội. Theo đó, các giải pháp chủ yếu là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất; tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu; tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa...

Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, để chủ động triển khai và kiểm tra đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn.

Hồng Sơn