Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần VII
Chính trị - Ngày đăng : 13:44, 13/10/2018
Dự đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tôn giáo bạn, các đại sứ quán tại Hà Nội và hơn 400 đại biểu chính thức là linh mục, tu sĩ, giáo dân tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh… gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trước đó, các đại biểu tham dự đại hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Bắc Sơn.
Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII nhằm đánh giá kết quả phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018; đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ tới; hiệp thương cử Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023.
Nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả
Theo đánh giá của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, 5 năm qua, phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” trước đây và nay là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, vừa góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa hiệp thông thực hiện các chương trình mục vụ của giáo hội. Từ phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khẳng định hiệu quả kinh tế cao. Nhiều địa phương có đông đồng bào Công giáo sinh sống đã được chọn để làm điểm về xây dựng nông thôn mới, đến nay đã về đích nông thôn mới như: huyện Hải Hậu (Nam Định), huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)… Bên cạnh đó, các phong trào “Xây dựng gia đình Công giáo gương mẫu, xứ họ đạo tiên tiến”, “Xứ, họ đạo an toàn”, “Xứ đạo thực hiện nếp sống mới văn minh”, “Xứ đạo sáng – xanh - sạch - đẹp”… đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa.
Bên cạnh đó, các hoạt động từ thiện nhân đạo được đẩy mạnh như mở lớp học tình thương dạy chữ, dạy nghề miễn phí cho trẻ em lang thang, người khuyết tật; chăm sóc bệnh nhân phong và bệnh nhân AIDS; quyên góp tiền mổ mắt, mổ tim cho người nghèo; xây nhà tình nghĩa; hỗ trợ người dân bị thiên tai… Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, với sự giúp đỡ của đồng bào Công giáo, năm 2017 có hơn 2.000 sinh viên, học sinh nghèo được cấp học bổng; 16.591 em được theo học tại các lớp học tình thương, lớp học nghề miễn phí; tại tỉnh Phú Yên, đồng bào Công giáo đã ủng hộ 13,2 tỷ đồng vào các hoạt động từ thiện…
Trong nhiệm kỳ 2013-2018, hệ thống Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam có mặt tại 42 tỉnh, thành phố; thành lập được 286 Ban đoàn kết Công giáo quận, huyện. Nhiệm kỳ 2018-2023, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đã có, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả đường hướng “Đồng hành - Hiệp thông - Phục vụ”.
Làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên đồng bào Công giáo
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước; động viên các chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cơ bản đồng tình với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà đại hội đề ra trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát huy trí tuệ, bám sát tôn chỉ, mục đích đã đề ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết, động viên đồng bào Công giáo trong và ngoài nước phát huy những giá trị tốt đẹp, nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phấn đấu ngày càng có nhiều tổ chức, chức sắc, tu sĩ, giáo dân là những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện đường hướng của giáo hội, gắn bó, đồng hành với dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy truyền thống và giá trị đạo đức, văn hóa, tôn giáo, đấu tranh với các âm mưu chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Bên cạnh đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tiếp tục tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đồng bào Công giáo và tổ chức giáo hội; củng cố tổ chức ngày càng vững mạnh, động viên đồng bào Công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, thực hiện tốt đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”…
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa việc hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các hoạt động của tôn giáo nói chung, của Công giáo và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nói riêng, bảo đảm môi trường tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh.
Nhân dịp này, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; Linh mục Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; 6 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Đại hội đã hiệp thương cử ra Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023 gồm 147 ủy viên, hiệp thương bầu 28 thành viên Đoàn Chủ tịch và 8 thành viên Ban Thường trực. Linh mục Trần Xuân Mạnh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023.
* Chiều 13-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tiếp Đoàn đại biểu Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (nhiệm kỳ 2018- 2023) đến chào và thông báo kết quả đại hội.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chúc mừng thành công của đại hội, chúc mừng linh mục Trần Xuân Mạnh được đại hội hiệp thương tín nhiệm cử làm Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023. Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị, trong nhiệm kỳ mới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả hơn, vận động tổ chức giáo hội, chức sắc, giáo dân đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước; xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào Công giáo, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
* Chiều cùng ngày, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng đã tiếp Đoàn Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam do linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam dẫn đầu đến chào, thông báo kết quả đại hội.