Nhức nhối nạn mua, bán người
Đời sống - Ngày đăng : 07:16, 14/10/2018
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao tại tỉnh Lào Cai về tội phạm mua bán người. |
Cẩn trọng với những chiêu lừa
Cuối tháng 7 vừa qua, Nguyễn Văn Đ. (26 tuổi) và Lê Xuân D. (23 tuổi) trú tại xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi mua, bán người. Do thiếu nợ, Đ. và D. phối hợp với nhau tìm phụ nữ bán sang Trung Quốc để kiếm tiền. D. lập tài khoản “Xuan Tien” trên Facebook và đăng tải nhiều thông tin tuyển dụng nhân viên nữ với mức lương hấp dẫn. Bằng cách này, Đ. và D. thực hiện hai vụ lừa phụ nữ đưa đi bán. Trường hợp khác là em D. (16 tuổi) ở tỉnh Điện Biên bị bạn trai lừa bán sang Trung Quốc. Nhận được thông tin phản ánh qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các cơ quan chức năng đã phối hợp giải cứu, hỗ trợ nạn nhân trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng... Đó chỉ là vài ví dụ trong hàng chục vụ việc mua, bán người được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý từ đầu năm đến nay.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, tình trạng mua, bán người ở nước ta diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan chức năng tổ chức giải cứu, tiếp nhận hơn 7.000 người bị mua, bán hoặc nghi bị mua, bán. Đa số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái từ 15 đến 30 tuổi, làm nông nghiệp hoặc không có việc làm, sống ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, kinh tế khó khăn... “Tội phạm mua, bán người hoạt động rất tinh vi, nguy hiểm. Thủ đoạn phổ biến của chúng là lập tài khoản, lấy hình ảnh đại diện giả mạo trên các trang mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt người nhẹ dạ cả tin”, Thượng tá Nguyễn Văn Tráng, Phó Trưởng phòng Phòng ngừa và Đấu tranh chống tội phạm mua, bán người - Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - cảnh báo.
Trung tá Vũ Thế Phấn - Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - cho biết thêm, hoạt động mua, bán người qua biên giới diễn biến ngày càng phức tạp. Trên tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng, tội phạm mua, bán người xây dựng những đường dây xuyên quốc gia, dùng mọi thủ đoạn lừa gạt phụ nữ, trẻ em gái Việt Nam để bán ra nước ngoài. Đáng lo hơn, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số đối tượng người Việt Nam phối hợp với người nước ngoài tuyển dụng, đưa phụ nữ quốc tịch Indonesia, Campuchia quá cảnh Việt Nam để sang Trung Quốc...
Để người dân tránh được những chiêu lừa tinh vi, nhiều ý kiến cho rằng các ngành, đơn vị, địa phương cần quan tâm đầu tư nguồn lực vật chất và con người cho công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống mua, bán người nói riêng. Các địa phương nên nhân rộng mô hình phòng, chống mua bán người lồng ghép với phòng, chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng; tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân...
Hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ
Trong những năm qua, 100% nạn nhân bị mua, bán trở về nhận được sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Khoảng 50% số nạn nhân, tương đương với gần 4.000 người, được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, khung pháp lý về phòng, chống mua, bán người đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì cơ chế, chính sách cũng như quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế.
Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày, tiền thuốc 50.000 đồng/người cho nạn nhân bị mua, bán trở về trong khoảng thời gian họ tạm trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội là quá thấp. Kinh phí hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho nạn nhân cũng mới đáp ứng được một phần nhu cầu. Ở nước ta, mạng lưới cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán đang rất thiếu nhưng pháp luật lại chưa cho phép tổ chức, cá nhân là người nước ngoài được trực tiếp thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Từ thực tế đó, ông Lê Đức Hiền đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Dưới góc nhìn pháp lý, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, từ ngày 1-1-2018, nạn nhân của hành vi mua, bán người gặp khó khăn về tài chính thuộc diện được hỗ trợ pháp lý. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần tổ chức rà soát tổng thể văn bản pháp lý liên quan, phát hiện điểm “vênh”, bất hợp lý thì đề xuất sửa đổi ngay.
Những ý kiến nêu trên cho thấy, ngoài giải pháp chủ động phòng, chống tại gia đình, cộng đồng, người dân cần được bảo vệ khỏi nạn mua, bán người bằng khung pháp lý hoàn thiện, được hỗ trợ bằng chế độ, chính sách phù hợp, khả thi.
Trung tá Vũ Thế Phấn (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cảnh báo: Ở tuyến biên giới biển, lợi dụng tình trạng thiếu lao động, một số đối tượng tiến hành quảng cáo, dụ dỗ, tuyển dụng lao động đi làm việc trên tàu cá. Khi người lao động đồng ý, họ bị đưa xuống các xã ven biển, bị khống chế, đe dọa, bị ép viết giấy vay nợ hoặc giấy cam kết tự nguyện làm việc trên tàu cá. Không may rơi vào “bẫy lừa”, người lao động vừa bị bóc lột sức lao động, vừa có nguy cơ bị bán cho các chủ tàu cá nước ngoài. |