Giải quyết tốt những vấn đề liên quan

Giáo dục - Ngày đăng : 07:12, 15/10/2018

(HNM) - Chương trình Sữa học đường TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020 là đề án có tính nhân văn cao, với mục tiêu là bổ sung dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn phát triển thể lực của trẻ em.


Chị Nguyễn Thị Ánh (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) cho hay: "Tôi thấy chương trình Sữa học đường là một chương trình tốt, mang ý nghĩa nhân văn, giúp cho các cháu đều được uống sữa. Tôi hoan nghênh chương trình này khi được áp dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh".

Còn chị Lê Thị Ánh Nguyệt có con đang học tại Trường Mầm non Thiên Lý (quận Tân Phú) hiện đã đăng ký cho con tham gia chương trình Sữa học đường. Tuy vậy, chị Ánh Nguyệt cho rằng các cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát chất lượng sữa; phải có bộ quy chuẩn sữa đạt chuẩn chất lượng, minh bạch thành phần sữa cũng như đơn vị sản xuất và cung cấp.

Trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 sẽ được thí điểm chương trình sữa học đường tại TP.HCM. Ảnh: C.T.


Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, để đánh giá tính khách quan và mức độ đồng thuận, từ năm 2016, Sở đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh học sinh về đề án Sữa học đường. Ngày 8-10 vừa qua, tại kỳ họp thứ mười HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX đã thông qua đề án chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, chương trình đặt ra các chỉ tiêu đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo chương trình Sữa học đường; chiều cao của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 đến 2cm so với năm 2010... Chương trình đưa ra 9 chỉ tiêu áp dụng cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học với thời gian thực hiện đến năm 2020.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về sản phẩm sữa tham gia chương trình Sữa học đường. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về các loại sữa tham gia chương trình Sữa học đường.

Đề án chương trình Sữa học đường thành phố giai đoạn 2018-2020 có kinh phí gần 1.135 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp 20%, còn lại phụ huynh học sinh sẽ đóng góp 50% kinh phí. Học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50% và doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Về vấn đề này, nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng cần công khai, minh bạch trong đấu thầu nhà cung cấp sữa. Theo ông Tăng Hữu Phong, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tân Phú, hiện đã hết nửa học kỳ 1 năm học 2018-2019, thời gian thực hiện đề án còn khá ngắn, vì thế chỉ riêng kệ chứa và bảo quản sữa đã hết 5,5 tỷ đồng, dùng trong hai năm là chưa hợp lý.

Trong khi đó, đại biểu HĐND thành phố Vương Đức Hoàng Quân cho hay, cần có quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn sữa phục vụ chương trình, công khai tỷ lệ chiết khấu sản phẩm sữa của doanh nghiệp để làm rõ 20% hỗ trợ của doanh nghiệp đến đâu và cần công khai, minh bạch trong đấu thầu… Đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện đề án dựa trên tính tự nguyện của phụ huynh.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng đề án, ngoài ý kiến của phụ huynh học sinh, Sở đã tổ chức lấy ý kiến đối với tất cả các sở, ngành liên quan và 24 quận, huyện.

Đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc, không lấy việc tham gia hay không tham gia để đánh giá học sinh. Các loại sữa sử dụng trong đề án bảo đảm các điều kiện theo quy định và được đấu thầu công khai rộng rãi, đúng luật nên bất cứ công ty sữa nào đủ điều kiện cũng có thể tham gia.

Thanh Tàu