Xóa lò gạch thủ công: Lộ trình đã rõ!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 15/10/2018
Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến giữa năm 2018, trên địa bàn Hà Nội có 199 lò gạch đất sét nung, sử dụng công nghệ lạc hậu. Trong đó, có 130 lò cải tiến có hệ thống xử lý khói thải và 69 lò vòng. Nhiều địa phương hiện đã không còn bóng dáng các lò gạch nung như: Đông Anh, Thanh Oai, Thường Tín, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm. Song cũng có không ít huyện còn nhiều lò gạch nung hoạt động như Sóc Sơn (60), Phúc Thọ (49), Quốc Oai (15), Ứng Hòa (12)...
Tại huyện Phúc Thọ, hoạt động của lò gạch nung trên địa bàn các xã: Võng Xuyên, Long Xuyên, Đức Hòa, Xuân Phú thời gian qua không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm chết hoa màu. Đặc biệt, việc xây dựng và tồn tại các công trình lò gạch trên bãi nổi sông Hồng thuộc địa bàn các xã: Cẩm Đình, Xuân Phú còn gây cản trở dòng chảy vào mùa mưa lũ, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đối với 49 lò gạch đất sét nung trên địa bàn huyện này, theo lộ trình được UBND thành phố phê duyệt, tất cả sẽ phải dừng hoạt động trong năm 2018.
Tại Sóc Sơn, huyện có tới 60 lò gạch nung hoạt động, là địa phương có số lượng lò gạch nung còn tồn tại lớn nhất trên địa bàn thành phố. Trong đó, có đến 42 lò nằm trên địa bàn xã Bắc Sơn - xã giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên. Qua rà roát, trong số các lò gạch nung trên địa bàn Sóc Sơn, có 19 lò không phù hợp quy hoạch, 31 lò không đúng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ có 3 lò đúng quy hoạch, được cấp phép sản xuất gạch theo công nghệ tuynel nhưng các công ty sản xuất gốm xây dựng và thương mại gồm Minh Thịnh, Hoàng Phúc Trường, Bắc Sơn đã tự ý đầu tư theo công nghệ lò vòng, không phù hợp với chủ trương của Nhà nước. Do đó, theo lộ trình được UBND thành phố đưa ra, 60 lò gạch này sẽ phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động trong năm 2018, hạn “chót” là trước ngày 31-12-2018.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết: Thời gian qua UBND huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các chủ lò gạch biết, nghiêm chỉnh chấp hành. Cùng với lộ trình được thành phố đưa ra, huyện đã ra văn bản yêu cầu các chủ lò dừng mọi hoạt động sản xuất, đầu tư các lò gạch nung không đủ điều kiện hoạt động, ký cam kết dừng hoạt động, tự tháo dỡ trong thời hạn đã “chốt”. Trên tinh thần xử lý công bằng, triệt để, không chỉ cho dừng hoạt động, UBND huyện Sóc Sơn còn đặt mục tiêu phá bỏ hoàn toàn lò gạch nung.
Thực tế, những năm qua, cùng với Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước đã thực hiện xóa dần các lò gạch thủ công trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác này còn khá nhiều khó khăn bởi hiện vật liệu thay thế cho gạch nung chưa phát triển nhiều. Người dân vẫn giữ thói quen bao lâu nay là sử dụng gạch nung cho các công trình nhà ở, đặc biệt ở ngoại thành và vùng nông thôn.
Theo lộ trình được UBND thành phố phê duyệt ngày 23-7-2018, chỉ còn 6/199 lò gạch nung (4 tại huyện Mỹ Đức và 2 tại huyện Quốc Oai) được phép tồn tại đến năm 2020; còn lại cần chấm dứt hoạt động trước ngày 31-12-2018. UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện căn cứ lộ trình, chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã đôn đốc, kiểm tra; đối với các cơ sở chậm thực hiện, cố tình duy trì hoạt động thì lập hồ sơ xử lý vi phạm về môi trường theo quy định.