Khai mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 19:06, 15/10/2018

(HNMO) - Ngày 15-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 28.

(HNMO) - Ngày 15-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 28.

Khai mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn


Ngay sau phần khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; các báo cáo giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020, thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 năm của giai đoạn 2016-2020 cơ bản tích cực và đúng hướng. Nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực, năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, nợ công giảm... Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017, bội chi ước đạt 3,67%, cơ cấu chi đầu tư tăng, giảm chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao…

Nhìn chung, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, báo cáo cần làm rõ nét hơn về vấn đề kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế cũng như cần đánh giá thêm về một số vấn đề còn tồn tại như tình hình phát triển sản xuất một số ngành nghề còn khó khăn, dịch chuyển cơ cấu kinh tế còn chậm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị chú ý những rủi ro về tác động ảnh hưởng của kinh tế thế giới, rủi ro về lạm phát và tỷ giá cũng như các rào cản về thủ tục hành chính. Dẫn chứng có những ý kiến phản ánh rằng có những dự án hồ sơ đầy đủ mà 10 năm không thực hiện được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tình trạng này dù không phổ biến nhưng cũng không phải là ít…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ chuẩn bị tốt những báo cáo giải trình thêm tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Cụ thể như chất lượng tăng trưởng kinh tế so với yêu cầu thì đứng ở đâu trong khu vực, mức độ bền vững ra sao? Cần phân tích cụ thể tăng ở lĩnh vực nào, thấp là đứng thứ mấy?...

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân ba năm qua trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đạt được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới của Quốc hội và sự điều hành tích cực, toàn diện của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, thách thức, khó khăn và có giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ. Trong đó, cần bám sát vào việc thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội và không thay đổi các mục tiêu Quốc hội đặt ra trong 5 năm; tiếp tục ưu tiên ổn định nền kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng bền vững… Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như một số vấn đề mới nảy sinh; kiên trì, thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là 3 lĩnh vực: Xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan chính phủ xây dựng nghị quyết của Quốc hội để đánh giá ba năm thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện các mục tiêu quốc gia.

* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về: Điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 giữa các bộ, địa phương; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. 

Hiền Thu