Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030
Đời sống - Ngày đăng : 11:36, 16/10/2018
Ngày Lương thực thế giới năm nay có chủ đề “Hành động hôm nay - Tương lai ngày mai. Để thế giới không còn nạn đói vào năm 2030 là điều có thể”. Theo số liệu của FAO, năm 2017, trên thế giới vẫn còn 821 triệu người thiếu đói; hơn 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, thấp còi; tình trạng "đói tiềm ẩn"; 1,5 tỷ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng, thiết yếu như: Vitamin A, sắt và kẽm.
Để ứng phó với tình trạng trên, FAO đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng chung tay để đạt mục tiêu không còn nạn đói, trong đó có cả đầu tư của nhà nước và khu vực tư nhân, chính sách và biện pháp can thiệp nhằm bảo đảm cho người nghèo và người dễ tổn thương cũng được hưởng lợi từ cơ hội tăng trưởng và việc làm.
Trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sản xuất lương thực trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực. Tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp được xem là giải pháp thực hiện sáng kiến “không còn nạn đói” và “giảm nghèo” hiệu quả nhất, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Vào cuối những năm 1980, hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn lương thực, tỷ lệ đói nghèo rất cao (gần 70%). Nhờ cải cách, mở cửa từ năm 1986 và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế, Việt Nam đã không những sản xuất đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước mà hằng năm còn xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo cho thị trường thế giới.