Tỷ lệ khách quay trở lại Việt Nam đạt trên 40%
Du lịch - Ngày đăng : 09:54, 17/10/2018
Du khách nước ngoài tham quan Đại nội Huế. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Theo thống kê, 9 tháng qua, ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực, tổ chức triển khai nhiều hoạt động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2018 đạt xấp xỉ 11,7 triệu lượt (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017); khách du lịch nội địa ước đạt 62,1 triệu lượt (khách lưu trú đạt 30,2 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 451,2 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017).
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Du lịch lịch cho biết, thời gian qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng cao. Năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2015; năm 2017 đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1% so với năm 2016.
Giai đoạn 2015-2017 lượng khách quốc tế đã tăng 1,63 lần, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 28%/năm. Không chỉ tăng trưởng nhanh về số lượng, du lịch Việt Nam cũng phát triển cả về chất lượng.
Theo 2 cuộc điều tra vào năm 2014 và 2017 của Tổng cục Du lịch, khách đến từ hầu hết các thị trường đều gia tăng mức chi tiêu bình quân một ngày. Trong đó, 2 thị trường có nhiều khách quốc tế đến Việt Nam nhất là Hàn Quốc tăng 28,5% (từ 133,4 USD/ngày lên 171,5 USD/ngày) và Trung Quốc tăng 9,6% (từ 118,6 USD/ngày lên 130,1% USD/ngày).
Theo kết quả điều tra của Tổng cục Du lịch năm 2017, tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ lần thứ 2 trở lên đạt 40,4%, tăng so với tỷ lệ 33,0% vào năm 2014.
Cùng với đó, số lượng cơ sở lưu trú du lịch không ngừng được đầu tư mở rộng. Năm 2011, cả nước có 13.000 cơ sở lưu trú du lịch với 265.000 buồng, đến năm 2017, con số này là 25.600 cơ sở với 508.000 buồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về số buồng trong giai đoạn 2011-2017 đạt 11%; trong đó số buồng khách sạn 4 và 5 sao tăng lần lượt là 14% và 19% mỗi năm.
Hiện nay, có 52 hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam. Nhiều đường bay thẳng nối các điểm đến ở Việt Nam đến các quốc gia được mở rộng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không (đa phần là khách có khả năng chi tiêu cao) năm 2017 chiếm 84,4% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Báo cáo “Xu hướng du lịch Mê Kông 2017”, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng với Bangkok và Côn Minh đã trở thành điểm chung chuyển lớn trong khu vực, kết nối các điểm đến trong khu vực và thế giới.
Sự gia tăng về chất lượng đã góp phần gia tăng tổng thu từ khách du lịch. Năm 2017, tổng thu từ du khách đạt 541.000 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2016. Trong đó, tổng thu từ du khách quốc tế (giá trị xuất khẩu từ du lịch) năm 2017 đạt 316.000 tỷ đồng, tăng 31,1% so với năm 2016 và tăng 60% so với năm 2015. Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch trong GDP ngày càng lớn: Năm 2015 đạt khoảng 6,3% GDP; năm 2016 đạt khoảng 6,9% GDP; và năm 2017 đạt khoảng 7,9% GDP.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng, những tháng cuối năm, ngành du lịch Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, khách nội địa, tổng thu từ du khách. Phấn đấu đạt mục tiêu năm 2018 đón 94 triệu lượt khách, với khoảng 16 triệu lượt khách quốc tế, 78 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du khách đạt 620.000 tỷ đồng.