Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết chững lại, sởi vẫn tiếp tục tăng
Sức khỏe - Ngày đăng : 21:15, 17/10/2018
Đến nay, 24/24 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh đã có ca bệnh sởi, trong đó nhiều nhất là Thủ Đức, quận 12, quận 7… Bên cạnh đó, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 355 ca tay chân miệng, giảm 8% so với tuần trước.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, thành phố có 4.567 ca tay chân miệng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Còn bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay 14.589 ca, giảm 16% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 180 ca mắc bệnh sởi. |
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tại khu vực phía Nam, tình hình mắc sởi liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh….
Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh năm nay có chiều hướng phát sinh ở những khu vực có các khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động liên tục. Có đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch vô cùng kém là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh.
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trước tình hình bệnh sởi xuất hiện ở một số tỉnh thành phía Bắc, Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm y tế quận, huyện rà soát và vận động trẻ tiêm bổ sung vắc xin sởi theo đúng lịch tiêm chủng quốc gia quy định của Bộ Y tế.
Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đang triển khai kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ sinh năm 2016, 2017 để đạt tỉ lệ tiêm chủng theo quy mô xã phường; đồng thời xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin sởi - rubella cho trẻ 3 - 5 tuổi theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Nhằm chủ động phòng chống dịch tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết..., ngành y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt, đồ chơi của trẻ tại nhà, tại trường và tại các khu vui chơi công cộng nhằm giảm thiểu sự hiện diện của mầm bệnh tay chân miệng trong môi trường.
Các bậc cha mẹ có con dưới 5 tuổi phải đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch; tự kiểm tra lại tiền sử tiêm vắc xin sởi của trẻ và liên hệ trạm y tế phường, xã gần nhất để được tư vấn tiêm chủng phòng bệnh sởi cho trẻ. Trường hợp trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi theo quy định sẽ được tư vấn tiêm bổ sung.