Những triệu phú, tỷ phú nông dân

Kinh tế - Ngày đăng : 07:03, 17/10/2018

(HNM) - Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu ở Hà Nội tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa rất lớn. Nhiều hội viên nông dân thành phố đã trở thành triệu phú, tỷ phú trên đồng đất của mình.


Một điển hình về nông dân đầu tư bài bản, phát triển nông nghiệp sạch trên vùng đất bãi sông Hồng phải kể tới anh Ngô Xuân Cường ở xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ). Trên diện tích hơn 10ha, ngoài trồng rau, củ, cây ăn quả, anh Cường xây dựng chuồng trại bán hoang dã, gồm 3 khu lán trại nuôi lợn giống và lợn thịt, chủ yếu là lợn rừng, giống của Thái Lan với quy mô gần 1.300 con lợn. Sản phẩm thịt lợn của trang trại đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp mã số, mã vạch. Mỗi tháng, doanh thu của trang trại đạt ít nhất từ 500 triệu đồng trở lên.

Mô hình trồng rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao của vợ chồng anh Nguyễn Đăng Quý và chị Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) dù mới đi vào hoạt động hơn một năm nay, nhưng đã trở thành mô hình điểm về ứng dụng công nghệ cao. Vợ chồng chị Cuối, anh Quý đi lao động tại Đài Loan, trực tiếp làm trong các trang trại rau công nghệ cao, rồi mày mò học tập, qua hơn chục năm tích lũy vốn, kinh nghiệm, anh chị đã trở về nước lập nghiệp. Hiện, giá trị thu nhập bình quân của mô hình này đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở Hà Nội phát triển cả bề rộng và chiều sâu trong tất cả lĩnh vực. Đến nay, toàn thành phố đã có hơn 1 triệu hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp được vinh danh là những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất...

Có được những thành quả trên, theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Trọng Khuê, là do người nông dân đã đổi mới tư duy, mạnh dạn chuyển từ sản xuất nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung. "Bản thân người nông dân đã tự lực vươn lên, vượt qua những khó khăn về vốn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, định kiến chưa đúng của xã hội về nông sản an toàn… để kiên trì sản xuất, ứng dụng công nghệ cao" - ông Lê Trọng Khuê cho biết.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp, các ngành thành phố đã có nhiều hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế, đặc biệt với vấn đề cho vay vốn. Chỉ tính riêng số vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố và vốn ủy thác từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP Hà Nội thông qua Hội Nông dân các cấp cho hội viên vay mỗi năm đã lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân thành phố còn hỗ trợ bà con quy trình sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nhờ vậy đã định hình được thị trường nông sản an toàn, giúp các mô hình có nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm.

Để ngày càng có nhiều nông dân điển hình tiên tiến, các cấp Hội Nông dân thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về "tam nông", từ đó giúp nông dân nắm bắt định hướng phát triển và tận dụng cơ hội. Đồng thời, lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của nông dân để có những kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Hội Nông dân thành phố cũng lấy tấm gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi làm nòng cốt để thành lập các tổ hợp tác, tiến tới hình thành các hợp tác xã kiểu mới, xây dựng những mô hình liên kết theo chuỗi để phát triển nông nghiệp Thủ đô giàu sức cạnh tranh.

Sơn Tùng