“Trên nóng, dưới nguội”
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:17, 17/10/2018
Xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ sông Bùi, đoạn qua xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ. |
"Vướng" ngay từ nhận thức
Mặc dù đảm nhiệm vai trò quan trọng trong dẫn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống úng ngập nhưng hơn 1km tuyến mương dọc trục đường liên xã Hoàng Long - Phú Túc, thuộc địa bàn xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) đã bị 51 hộ dân chiếm dụng, xây dựng công trình nhà ở, lều lán... Tương tự, trên tuyến đê sông Mỹ Hà, toàn bộ hành lang và một phần lòng dẫn, đoạn thuộc địa bàn xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cũng bị người dân xây dựng nhà ở, công trình phụ… Còn trên các tuyến kênh La Khê, đoạn qua thị trấn Kim Bài, xã Kim Thư (huyện Thanh Oai) và tuyến kênh T0, Tiên Tân, đoạn thuộc địa bàn các xã: Thọ Xuân, Phương Đình (huyện Đan Phượng) xảy ra 16 vụ xây dựng công trình phụ, trồng cây thân gỗ, làm cầu bê tông qua kênh… Thực trạng này không chỉ cản trở hoạt động dẫn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai mà còn gây nguy hiểm cho chính công trình vi phạm. Điển hình là sự cố sụt lún xảy ra trong tháng 5 vừa qua đã làm sập đổ 3 ngôi nhà xây dựng trong hành lang bảo vệ đê sông Mỹ Hà tại thôn Ải, xã Hợp Thanh...
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 1.360 ngôi nhà cấp ba, 2.966 ngôi nhà cấp bốn, 257 nhà xưởng sản xuất xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi... Mặc dù thành phố và Sở NN&PTNT Hà Nội liên tục chỉ đạo, đôn đốc các quận, huyện, thị xã và 5 doanh nghiệp thủy lợi kiên quyết xử lý các vụ vi phạm tồn đọng, tuyệt đối không để phát sinh vi phạm mới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, các địa phương vẫn để phát sinh 116 vụ vi phạm nhưng mới xử lý giải tỏa 28 vụ, trong đó có 6 vụ vi phạm từ những năm trước và 22 vụ vi phạm vừa xảy ra.
Theo Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi trước đây và Luật Thủy lợi mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, việc xử lý vi phạm và ngăn chặn vi phạm thuộc trách nhiệm của cấp xã, cấp huyện và các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy lợi lại không có thẩm quyền xử phạt, chỉ được lập biên bản và bàn giao hồ sơ cho chính quyền địa phương xử lý… Ông Doãn Văn Kính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cho rằng, khó khăn lớn nhất trong quản lý, xử lý các vi phạm là nhiều công trình thủy lợi lớn trên địa bàn thành phố chưa được cắm mốc giới bảo vệ và chưa được xác lập hồ sơ pháp lý để xác định ranh giới trên bản đồ...
Giải thích về tình trạng chậm xử lý vi phạm, Chủ tịch UBND xã Phú Túc Bùi Hồng Luyến cho biết, các vi phạm này đều xảy ra từ nhiều năm trước. Huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung xử lý dứt điểm vụ việc. Tuy nhiên, do nhiều người dân phản ứng quyết liệt nên huyện Phú Xuyên yêu cầu xã Phú Túc tăng cường tuyên truyền pháp luật đất đai, thủy lợi và đối thoại với hộ dân có công trình vi phạm tự nguyện tháo dỡ, giải tỏa trước khi chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp mạnh… Còn Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thanh Chu Đức Trí khẳng định, huyện Mỹ Đức và xã Hợp Thanh sẽ cưỡng chế giải tỏa khu vực này để vừa thực thi các quy định của pháp luật đất đai, thủy lợi, vừa bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân có công trình vi phạm… Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên một số hộ dân chưa chấp hành quyết định của tòa án giải quyết vụ việc cấp đất trái thẩm quyền xảy ra từ nhiều năm trước…
Cần giải pháp đồng bộ
Để bảo đảm an toàn công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, Sở NN&PTNT đã đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thủy lợi, đất đai để người dân hiểu rõ trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi; đồng thời, vận động các hộ dân có công trình vi phạm chủ động giải tỏa. Kết thúc thời gian vận động, các địa phương phải kiên quyết cưỡng chế theo quy định pháp luật… Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi rà soát, phân loại vi phạm theo từng năm, thống kê kết quả xử lý vi phạm, số vụ vi phạm còn tồn tại, nguyên nhân không giải tỏa được các vi phạm… Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp thủy lợi tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác giải tỏa vi phạm, ngăn chặn tái phạm, vi phạm mới. Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý dịch vụ thủy lợi kiểm tra xem xét công tác phát hiện, xử lý vi phạm ban đầu của các doanh nghiệp thủy lợi; không nghiệm thu khối lượng duy tu, duy trì của các đơn vị để xảy ra nhiều vi phạm nhưng không kịp thời lập biên bản, báo cáo chính quyền sở tại xử lý…
Để nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý vi phạm, các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi cũng đề nghị các sở, ngành liên quan đề xuất thành phố bố trí kinh phí đẩy nhanh tiến độ cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; xây dựng tuyến đường gom trên các trục kênh lớn để hạn chế việc nhân dân tự ý bắc cầu qua kênh. Bên cạnh đó, các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất thành phố phương án giải quyết đối với hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi...