Số hóa toàn bộ sổ hộ tịch: Phục vụ người dân ngày càng tốt hơn

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:55, 18/10/2018

(HNM) - Báo Hànộimới số ra ngày 13-10 có bài phản ánh việc triển khai Luật Hộ tịch trên địa bàn Hà Nội, thủ tục nhanh, sức ép lớn...


Tới thời điểm này, 3 quận Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm và Long Biên đã thực hiện chủ trương số hóa sổ hộ tịch. Tại Long Biên, toàn bộ dữ liệu từ sổ hộ tịch năm 2015 của quận đã được số hóa và đồng bộ vào hệ thống eSAMS của thành phố với tổng số 64 quyển sổ khai sinh và đăng ký kết hôn.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng bộ phận công nghệ thông tin quận Long Biên, số lượng hồ sơ hành chính trong lĩnh vực tư pháp hộ tịch thường chiếm tỷ lệ cao (cấp phường chiếm trên 80%). Nếu trước đây, khi phát sinh yêu cầu của công dân, công chức tư pháp - hộ tịch thường phải tìm sổ hộ tịch mất nhiều thời gian, dễ phát sinh sai sót, nhầm lẫn, thì nay, công dân chỉ cần khai họ tên, năm sinh là công chức có thể tra cứu dữ liệu nhanh chóng, thuận tiện.

Tương tự, tại các quận Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, kết quả số hóa đã nâng cao hiệu quả việc lưu trữ, khai thác các dịch vụ công trực tuyến tại UBND quận và các phường trực thuộc. Ở chiều ngược lại, người dân cũng được hưởng lợi. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Hải Ngọc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng đến làm thủ tục khai sinh cho con chia sẻ, điểm ưu việt khi thực hiện các thủ tục về hộ tịch thời kỳ số hóa là người dân không phải mang giấy tờ gì và có thể làm ở bất kỳ địa điểm nào, thời gian nhanh gọn.

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hộ tịch là nền tảng phát triển chính quyền điện tử, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục khảo sát tình hình lưu trữ, thống kê cơ bản về số lượng hồ sơ hộ tịch để xác định quy mô, khối lượng công việc số hóa cần triển khai của toàn thành phố cũng như tại từng đơn vị. Đến nay công việc đã hoàn thành.

Tuy nhiên, quá trình triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch cũng xuất hiện những bất cập như việc lấy mã số định danh cho trẻ, nhiều khi không có kết nối giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an nên không thực hiện được ngay. Về việc thay đổi thông tin cha mẹ trẻ khi trẻ được cho làm con nuôi, việc khai sinh của trẻ đã thực hiện trước đó trên phần mềm, nhưng khi cha mẹ nuôi yêu cầu thay đổi thông tin về cha mẹ thì lại không thay đổi được trên phần mềm. Với trường hợp này, công chức tư pháp - hộ tịch vẫn phải làm thủ tục thay đổi thông tin về cha mẹ trẻ, dẫn đến việc thông tin của trẻ được quản lý trên phần mềm và thông tin trẻ sử dụng sau này không đồng nhất…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Hà Nội đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, cam kết sẽ cùng các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế phối hợp. Đồng thời, Sở Tư pháp tiếp tục tổ chức giao ban định kỳ với lãnh đạo phòng tư pháp cấp huyện để nắm bắt vướng mắc, định hướng các nhiệm vụ chuyên môn, giúp hạn chế những sai sót trong quá trình giải quyết hồ sơ, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ về hộ tịch.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, qua 3 năm triển khai Luật Hộ tịch, Hà Nội giải quyết khối lượng công việc lớn, tiên phong trong việc số hóa dữ liệu, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo. Điều này cho thấy người dân hài lòng với công tác hộ tịch trong thời gian vừa qua.

Hà Phong