Sẽ công bố bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn
Giáo dục - Ngày đăng : 16:06, 19/10/2018
Ảnh minh hoạ |
Đó là một trong những nhóm vấn đề đã được Bộ GDĐT tổ chức triển khai theo Quyết định số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn sau Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV.
Bất cập, sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia đã được nghiêm túc rút kinh nghiệm
Ở nhóm vấn đề đầu tiên, về rà soát Luật Giáo dục; các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, Bộ đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu sẽ khai mạc vào ngày 22-10. Đồng thời, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật Giáo dục (sửa đổi).
Trong công tác thi và tuyển sinh, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng qua 4 năm thực hiện đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội. Bất cập, sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương đã được Bộ GDĐT và các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng đảm bảo quyền tự chủ của các trường theo quy định của pháp luật. Công tác xét tuyển đại học đảm bảo được các tiêu chí an toàn, hiệu quả. Công nghệ thông tin được áp dụng trong tất cả các khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển, xác nhận thí sinh nhập học lên hệ thống để đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo… Điểm trúng tuyển cũng đã phản ánh được chất lượng đầu vào và thể hiện được sự phân hóa chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường...
Thẩm định sách giáo khoa bảo đảm khách quan, công bằng
Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, Bộ hiện đã hoàn thành xây dựng chương trình tổng thể và các chương trình môn học; tổ chức thực nghiệm những điểm mới về nội dung và phương pháp dạy học theo chương trình mới; chỉ đạo chuẩn bị tài liệu hướng dẫn và kế hoạch tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Theo quy định của Quốc hội, Bộ GDĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ SGK; tổ chức thẩm định SGK đảm bảo khách quan, công bằng (gồm bộ sách do Bộ chỉ đạo biên soạn và các sách khác do tổ chức, cá nhân biên soạn); phê duyệt, cho phép sử dụng SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia.
Bộ SGK do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, trong đó có phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh sử dụng rộng rãi, bình đẳng. Bộ đang thực hiện các thủ tục theo quy định để ban hành Thông tư chương trình giáo dục phổ thông trong tháng 10-2018.
Ngoài ra, báo cáo của Bộ GDĐT cũng nêu rõ những kết quả đạt được ở những nhóm vấn đề khác mà nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi chất vấn như trong quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm; rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, chính sách cử tuyển và hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số...