Bài cuối: Đổi mới cơ chế, chính sách
Đời sống - Ngày đăng : 06:23, 19/10/2018
Nhiều công nhân tại TP Hồ Chí Minh khát khao được sở hữu nhà ở giá rẻ để ổn định cuộc sống. |
Xây dựng căn hộ giá 200 triệu đồng
Theo ông Vũ Gia Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (LIDECO), để xây được nhà ở giá rẻ cho công nhân cần phải có những tiêu chí cụ thể kèm theo các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhà ở giá rẻ cho công nhân cần được ưu tiên về đất “sạch”, miễn tiền sử dụng đất, thuế và hỗ trợ về pháp lý, các thủ tục về xây dựng cơ bản. Các mẫu nhà cần có thiết kế bảo đảm điều kiện sống, vệ sinh môi trường, an toàn cho người sử dụng. Cùng với đó, cần kết nối các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực xây dựng (cung cấp nguyên vật liệu, thiết kế, quy hoạch, xây lắp) để hỗ trợ nhau triển khai, hạn chế những tác động của thị trường.
Để chắp cánh ước mơ sở hữu căn hộ của công nhân sớm thành hiện thực, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho hay, tham khảo mô hình xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân như tỉnh Bình Dương đã thực hiện, TP Hồ Chí Minh có thể xây dựng 10.000 căn hộ có diện tích khoảng 30m2 (gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng), có giá bán trên dưới 200 triệu đồng/căn.
Còn ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết: "Đơn vị đã thiết kế cho các tỉnh Long An, Đồng Nai xây nhà ở giá rẻ với diện tích 30m2, giá 200 triệu đồng, hiện các tỉnh đang triển khai xây dựng. Riêng TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đang xin làm nhà ở giá rẻ cho công nhân, người nghèo với diện tích 25-30m2. Nếu thành phố chấp thuận thì nhiều doanh nghiệp có thể xây dựng nhà ở cho công nhân với giá 10 triệu đồng/m2 tại địa bàn huyện Hóc Môn, quận 12".
Kêu gọi đầu tư, thực hiện đúng tiến độ
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TP Hồ Chí Minh chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, bất động sản. Điều này sẽ mở ra cơ hội có thêm quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, TP Hồ Chí Minh có thể lấy quỹ đất từ các nông trường như Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), Phạm Văn Cội, nông trường bò sữa (huyện Củ Chi), nông trường Láng Le (huyện Bình Chánh) có tổng diện tích khoảng 6.000ha để phát triển nhà ở xã hội.
Về nguồn vốn vay ưu đãi, theo Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2018 nguồn vốn 1.000 tỷ đồng đã được phân giao về các địa phương triển khai cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm.
Về kế hoạch nhà ở cho công nhân trong năm 2018, UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường (quận 9) và dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung II do Công ty Thiên Phát làm chủ đầu tư. Đồng thời, thành phố kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân tại khu đất 4.442m2 ở đường Đinh Kiếp (huyện Củ Chi) và khu đất số 15/6C đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức).
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng thêm 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân, tương đương 350.000m2 sàn, nâng tổng diện tích sàn nhà ở cho công nhân đến năm 2020 trên địa bàn thành phố là 2,4 triệu mét vuông. Vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã trình HĐND thành phố thông qua Chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2025. Theo đó, thành phố sẽ chấp thuận đầu tư các dự án nhà diện tích từ 25 đến 35m2, giá từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng cùng chính sách vay vốn dành cho công nhân. Dự kiến giai đoạn năm 2018-2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có hơn 20.000 căn hộ giá rẻ bán cho công nhân.
Tại Hà Nội, hiện có 41 dự án nhà ở xã hội đang thi công, đến năm 2019-2020 sẽ có 3,5 triệu mét vuông nhà ở cho các đối tượng là công nhân, người lao động, người thu nhập thấp. Theo kế hoạch, thành phố cũng phấn đấu có nhà với giá 200 triệu đồng/căn để bán cho công nhân vào năm 2019...
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố luôn quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân và các gia đình chính sách. Năm 2018, Hà Nội sẽ hoàn thành xây mới gần 600 nghìn căn nhà cho người nghèo (trong đó có công nhân). Thực hiện kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội xây hơn 6 triệu mét vuông nhà ở cho các đối tượng cán bộ, viên chức, sinh viên và công nhân. Trong nhóm nhà ở dành cho công nhân, thành phố đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bố trí quỹ đất 2% tại các khu đô thị, để xây dựng và thiết kế nhà ở cho công nhân.
Mới đây, thực hiện cam kết của lãnh đạo TP Hà Nội với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và người lao động, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 thuộc Khu đô thị mới Kim Chung (huyện Đông Anh) đã khởi công. Dự án có diện tích gần 3,7ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào năm 2020 với 1.588 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho hơn 5.330 người. Mức giá dự kiến chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 13 triệu đồng/m2, giá thuê 50.000 đồng/m2/tháng.
Như vậy, nếu các dự án được triển khai thực hiện đúng tiến độ thì trong tương lai không xa, số nhà ở dành cho công nhân ở Hà Nội sẽ được cải thiện đáng kể. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định, Tổng Liên đoàn sẵn sàng phối hợp cùng các tỉnh, thành phố hoàn thành dự án thiết chế công đoàn, cung cấp nhà ở giá rẻ với hạ tầng hoàn chỉnh, có đầy đủ nhà trẻ, trường học, siêu thị, trung tâm vui chơi giải trí, công viên… nhằm nâng cao đời sống công nhân, lao động.