Đề xuất kéo dài tuổi thọ máy bay: Cần bảo đảm an toàn bay

Giao thông - Ngày đăng : 07:18, 19/10/2018

(HNM) - Đang có những ý kiến lo ngại về sự an toàn sau khi Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất nâng tuổi “nghỉ hưu” của máy bay.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng tuổi máy bay có ảnh hưởng nhất định tới an toàn hàng không, nhưng không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn. Duy trì điều kiện an toàn, bảo dưỡng như thế nào mới là quan trọng; bên cạnh đó, cần kiểm tra an toàn bay một cách nghiêm ngặt.


Ảnh mang tính minh họa.


Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP (ban hành ngày 1-7-2016) và Nghị định 30/2013/NĐ-CP (ban hành ngày 8-4-2013) liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng đã trình Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất nâng độ tuổi máy bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm. Đề xuất này ngay sau khi được công bố đã vấp phải những ý kiến lo ngại về sự an toàn cho hoạt động bay.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không - Vũ trụ Việt Nam, tuổi thọ của máy bay phải do nhà sản xuất quy định chứ không phải do các cơ quan quản lý hay các hãng hàng không. Trước khi xuất xưởng, các hãng sản xuất đã thử nghiệm toàn bộ, xem máy bay đó chịu được hoạt động bao nhiêu năm, bao nhiêu giờ bay và đưa ra tuổi thọ trung bình. Thậm chí có cả những nghi ngờ việc nới tuổi thọ máy bay nhằm giúp cho một doanh nghiệp đang chuẩn bị nhảy vào lĩnh vực hàng không “dễ thở” hơn.

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng, đề xuất này nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp. Trong đó, việc nâng độ tuổi máy bay chở khách lên 25 năm được đánh giá tạo thuận lợi rất lớn cho các hãng hàng không, đặc biệt là việc đi thuê máy bay ngắn ngày để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách trong các dịp cao điểm lễ, Tết. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp hàng không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm, khai thác máy bay. Theo Bộ Giao thông - Vận tải, nếu nới tuổi lên đến mức nói trên thì vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới. Tuổi máy bay có ảnh hưởng nhất định tới an toàn hàng không, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Duy trì điều kiện an toàn, bảo dưỡng như thế nào mới là quan trọng nhất.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam nhận định, hiện năng lực kiểm tra, giám sát an toàn của Việt Nam đã được nâng lên. Quá trình hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các tổ chức giám sát an toàn như Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng giúp chúng ta nâng cao năng lực bảo đảm an toàn bay. Ngoài ra, yếu tố công nghệ đã giúp bảo đảm thời gian hoạt động tuổi thọ của máy bay lớn hơn. Do đó, chúng ta mới nghiên cứu nới một khoảng thời gian 5 năm.

Một số chuyên gia cho rằng, tuổi thọ của máy bay liên quan đến số giờ bay và tần suất cất cánh, hạ cánh. Điều kiện của máy bay bảo đảm an toàn cho bay bao gồm: Động cơ, bảo dưỡng, bảo trì trên từng bộ phận, chi tiết máy bay. Tất cả phải được giám sát, kiểm định rõ ràng, chặt chẽ. Trước kia, trình độ kỹ thuật sản xuất và bảo dưỡng máy bay chưa phát triển cao như bây giờ nên tuổi đời máy bay cũng ngắn, không đáp ứng được yêu cầu an toàn bay. Ngày nay, kỹ thuật càng hiện đại, áp dụng nhiều loại vật liệu mới cùng với trình độ khai thác và bảo dưỡng tốt hơn nên có thể tính tới việc kéo dài tuổi thọ cho máy bay.

Theo thống kê từ một số tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực hàng không, tuổi đời trung bình đội máy bay của các hãng hàng không Việt đang rất thấp so với thế giới. Trong đó, tuổi đời trung bình của đội bay Vietjet Air đang khoảng 3 năm tuổi, Jetstar Pacific là 4,6 năm tuổi và Vietnam Airlines là 6,2 năm tuổi.

Tuấn Khải