Nỗ lực kết nối của Việt Nam và EU

Kinh tế - Ngày đăng : 05:53, 19/10/2018

(HNM) - Sau nhiều vòng đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được Ủy ban châu Âu (EC) trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức...

Hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam là một trong những ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA được thông qua.


Sự kiện được cả hai bên mong đợi này diễn ra đúng dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang thăm và làm việc tại châu Âu và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12). Đây là kết quả của cả quá trình phối hợp tích cực về chính trị, đối ngoại, thảo luận, hợp tác… của cả hai phía, đồng thời là tin vui cho toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như Liên minh châu Âu (EU).

Khởi động từ tháng 6-2012, EVFTA đã trải qua 14 vòng đàm phán, kéo dài từ tháng 10-2012 đến tháng 8-2015. Ngày 4-8-2015, hai bên tuyên bố kết thúc cơ bản việc đối thoại về các nội dung của hiệp định. Kể từ thời điểm đó, EU đã bước vào quá trình rà soát pháp lý hiệp định và dịch thỏa thuận này ra ngôn ngữ của 28 nước thành viên của khối. Sau khi hiệp định được thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 15.000 tỷ USD (chiếm 22% tổng GDP toàn cầu).

Cụ thể, EVFTA sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế, lên tới hơn 99% số dòng thuế. Với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên dành cho nhau hạn ngạch thuế hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể được coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định tự do thương mại (FTA) đã được ký kết từ trước tới nay. Việc cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ được coi là một trong những bước đột phá thành công của EVFTA, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Qua đó, hiệp định sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của hai bên như: Dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, một số loại nông sản của EU… Bên cạnh việc xóa bỏ hàng rào thuế, Việt Nam cũng sẽ gỡ bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu. EVFTA cũng sẽ tạo ra những cơ hội tiếp cận thị trường mới trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.

Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu EU cũng có nhiều cơ hội để thâm nhập thị trường thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với quy mô dân số gần 100 triệu người. EVFTA được coi là một trong những hiệp định đầu tư thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. Sau Singapore, đây là hiệp định thứ hai EU ký kết tại khu vực ASEAN và được kỳ vọng sẽ tăng cường mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - EU và Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác. Trên tinh thần đó, Thủ tướng kỳ vọng Việt Nam sẽ là cầu nối tốt để doanh nghiệp EU vào thị trường ASEAN thời gian tới, hướng tới một nền thương mại tự do, công bằng và thuận lợi. Trong khi đó, trong thông báo của EU, Chủ tịch EC Jean Claude Junker nhấn mạnh, EVFTA là ví dụ điển hình thể hiện chính sách thương mại hiện nay của EU, mang lại những lợi ích chưa từng có đối với doanh nghiệp và người dân hai bên. Chủ tịch EC nêu rõ việc tổ chức này thông qua việc trình EVFTA lên Hội đồng châu Âu ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 12 là sự khẳng định cam kết của EU mở cửa thương mại với châu Á và đề nghị Nghị viện châu Âu cũng như các nước thành viên thực hiện các bước cần thiết để hiệp định này nhanh chóng có hiệu lực.

Cao ủy Thương mại EC, bà Cecilia Malstrom nhấn mạnh: Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và là một thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp và các nhà đầu tư châu Âu, bày tỏ tin tưởng Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU sẽ nhanh chóng thông qua hiệp định này để cho phép doanh nghiệp và người dân hai bên có thể sớm hưởng những lợi ích từ EVFTA.

Việc EC thông qua EVFTA ngay trước khi khai mạc Hội nghị ASEM 12, nơi quy tụ sự tham dự của nguyên thủ 53 quốc gia châu Á và châu Âu là một thông điệp mới, mạnh mẽ và là hành động cụ thể khẳng định những nỗ lực đẩy mạnh kết nối, hợp tác liên khu vực giữa hai châu lục. Việc ký, phê chuẩn và đưa vào thực thi hiệp định còn thể hiện quyết tâm của EU và Việt Nam trong việc tạo dựng, duy trì một môi trường mở cửa thương mại và đầu tư trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng quan ngại của chủ nghĩa bảo hộ.

Thùy Dương