Cần xử lý nghiêm việc lấn chiếm đất nông nghiệp

Bạn đọc - Ngày đăng : 08:55, 20/10/2018

(HNM) - Một số người dân phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, từ nhiều năm nay tại khu đất nằm cạnh đê sông Hồng thuộc địa bàn tổ dân phố Đông Ba 3 hình thành các xưởng sản xuất hoạt động như điểm công nghiệp.


Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới từ trên đê hữu Hồng thuộc khu vực tổ dân phố Đông Ba 3, phường Thượng Cát, có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt nhà xưởng đang hoạt động tại đây được xây dựng từ rất lâu. Phần lớn nhà xưởng được quây tôn, khung kèo sắt, mái lợp tôn. Có một số nhà xưởng xây 2-3 tầng kiên cố. Khu sản xuất này phần nhiều là nhà xưởng chế biến lâm sản, còn lại là kinh doanh vật liệu xây dựng, xưởng cơ khí...

Anh Nguyễn Văn Hưng, người dân phường Thượng Cát cho biết: “Khu nhà xưởng này tồn tại từ rất lâu trên đất nông nghiệp trước đây do hợp tác xã nông nghiệp quản lý. Điều ngạc nhiên là càng ngày quy mô sản xuất càng được mở rộng”. Còn ông Trần Văn Như, ở phường Thượng Cát bức xúc: “Nhiều tổ chức,
cá nhân tự ý xây nhà xưởng không phép rồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Thậm chí có trường hợp khi xây xong, cho các doanh nghiệp địa phương khác thuê lại. Nhà xưởng hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý”.

Về vấn đề này, theo báo cáo của UBND phường Thượng Cát, khu đất mà các hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà xưởng cạnh đê sông Hồng thuộc địa bàn tổ dân phố Đông Ba 3 là đất nông nghiệp sản xuất không hiệu quả. Đến nay, có 120 trường hợp lấn chiếm đất, xây nhà xưởng không phép. Hầu hết các tổ chức, cá nhân vi phạm đều không có đăng ký kinh doanh, hoạt động không thông báo với chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp tự ý mua bán nhà xưởng trên đất công, thuê và cho thuê lại... Các nhà xưởng hoạt động xả khói đen kịt gây ô nhiễm không khí và xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường.

Ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch UBND phường Thượng Cát cho biết: “Khu kinh doanh, sản xuất ven đê sông Hồng thuộc địa bàn tổ dân phố Đông Ba 3 đã hình thành như một làng nghề từ năm 1988. Hiện nay, công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường, an toàn cháy nổ chưa được cơ quan nào kiểm soát... Lực lượng chức năng quận Bắc Từ Liêm và phường Thượng Cát đã nhiều lần họp bàn giải pháp, đề xuất báo cáo UBND TP Hà Nội để đưa khu sản xuất này vào quản lý, tránh thất thoát tài sản nhà nước và bảo đảm an ninh, trật tự địa phương. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy cấp có thẩm quyền cho hướng chỉ đạo giải quyết”.

Để giữ kỷ cương trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ cho nhân dân, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, xử lý nghiêm những vi phạm trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn tổ dân phố Đông Ba 3, phường Thượng Cát.

Nhật Hạ