Tái diễn tình trạng nợ đọng văn bản luật
Đời sống - Ngày đăng : 08:23, 20/10/2018
Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm soát công tác xây dựng pháp luật. Các phiên họp thường kỳ của Chính phủ có nhiều đổi mới, nội dung xây dựng thể chế được quan tâm hàng đầu. Tính từ kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV đến nay, Quốc hội đã xem xét thông qua 13 luật, bộ luật. Đây là những luật quan trọng, được Chính phủ quan tâm và sớm trình Quốc hội ban hành.
Song, theo số liệu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội công bố ngày 13-9, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 718/NQ-UBTVQH13, còn 17 dự án luật (chiếm 22,6%) chưa đưa vào chương trình. Trong đó, so với thời hạn dự kiến có 2 dự án quá hạn 4 năm, 2 dự án quá hạn 3 năm, 9 dự án quá hạn 2 năm. Chất lượng một số dự án luật chưa bảo đảm cả về chuẩn bị, nội dung, thời gian trình. Đánh giá tác động của nhiều dự án luật còn hình thức, khi đưa sang Quốc hội thẩm tra không đạt yêu cầu. Thậm chí, có những dự án luật đã trình Quốc hội xem xét nhưng trong Chính phủ chưa thống nhất, đại diện các bộ còn có quan điểm khác nhau. Có luật đã thông qua lại phải lùi hiệu lực thi hành như: Bộ luật Hình sự 2015 và 3 luật liên quan đến bộ luật này (Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam). Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phải sửa trước thời điểm luật này có hiệu lực.
Điều đáng lưu ý là tình trạng xây dựng luật chưa bảo đảm chất lượng hay “vừa chạy, vừa xếp hàng” trong xây dựng pháp luật là hạn chế của nhiều năm qua vẫn chậm được khắc phục, dẫn đến việc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội phải điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn không đúng kế hoạch đề ra.
Phân tích nguyên nhân của thực tế này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) Tống Thị Hạnh cho rằng, việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định cũ sang thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 với những yêu cầu rất cao nên năm đầu thực hiện không tránh khỏi lúng túng. Ngoài ra, theo bà Hạnh, việc đánh giá tác động phải bảo đảm các nội dung về kinh tế - xã hội, giới, thủ tục hành chính, với hệ thống pháp luật và đánh giá bằng phương pháp định lượng trong khi chưa xây dựng các điều luật cụ thể là không hề đơn giản; đồng thời cần quan tâm nâng cao năng lực cho cán bộ.
Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn cho rằng, theo quy trình xây dựng luật hiện nay, một dự án luật khi đưa ra Quốc hội thảo luận đã phải trải qua rất nhiều “lưới lọc”, nhưng ngay ở bước đầu tiên, trách nhiệm của cán bộ tham mưu lại chưa rõ ràng. “Văn bản sai có thể sửa, nhưng việc đánh giá hậu quả do việc thi hành văn bản đó, cũng như xem xét trách nhiệm cán bộ, công chức tham mưu, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản đó chưa quyết liệt" - Trưởng ban Dân nguyện nói. Để không tái diễn tình trạng này, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị, việc xử lý trách nhiệm cần nghiêm minh hơn. Tới đây, Ban Dân nguyện sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp thống kê cụ thể cơ quan, tổ chức, địa phương nào ban hành nhiều văn bản trái pháp luật để bổ sung vào báo cáo kiến nghị của cử tri trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.