iPhone Xs Max vượt xa Google Pixel 3 trong các phép thử hiệu năng
Xe++ - Ngày đăng : 13:02, 22/10/2018
Về phần cứng, iPhone Xs Max sử dụng chip A12 Bionic mới của Apple tự phát triển, trong khi Pixel 3 viện tới chip Snapdragon 845 (8 lõi) của Qualcomm. Đây cũng là mẫu chip được sử dụng trong Samsung Galaxy Note 9.
Tuy nhiên, xung nhịp của cả lõi hiệu năng cao và lõi tiết kiệm điện trên Pixel 3 (2,5 GHz và 1,5 GHz) đều được thiết lập thấp hơn so với mẫu máy của hãng điện tử Hàn Quốc. Google cũng trang bị cho máy RAM 4GB và lõi đồ họa Adreno 630.
Trong khi đó, A12 Bionic của iPhone Xs Max sở hữu 6 lõi xử lý (hai lõi hiệu năng cao và bốn lõi tiết kiệm điện vận hành ở xung nhịp 2,49 GHz). Chip được trang bị lõi đồ họa 4 nhân do Apple tự phát triển.
Với kết cấu như trên, tuy ít lõi xử lý hơn nhưng iPhone Xs Max lại vượt trội hoàn toàn so với Pixel 3 trong các phép thử do Apple Insider tiến hành. Trong thử nghiệm đo điểm Geekbench 4 về CPU đơn lõi, điện thoại Apple đạt 4.816 điểm, gấp đôi so với 2.393 của đối thủ. Mặc dù ở phép thử đa lõi, khoảng cách không lớn như vậy.
Tuy nhiên, với 11.584 điểm, iPhone Xs Max vượt xa mức 8.312 của Pixel 3, bất chấp số lõi xử lý ít hơn hẳn. Trong các phép thử đồ họa Geekbench, phần cứng Apple cũng đạt tới 22.278 điểm, so với 13.845 điểm của sản phẩm đối thủ.
Trong phép thử chức năng, tình hình cũng diễn ra tương tự. Với thử nghiệm đồ họa Antutu, Pixel 3 tuy có kết quả rất tốt (284.546 điểm), nhưng vẫn không địch lại iPhone Xs Max (363.687 điểm). Trong phép thử HTML5 của cùng ứng dụng đo điểm, iPhone Xs Max đạt điểm cao hơn 35% so với Pixel 3 (46.531 so với 34.674). Chuyển sang Octane 2.0, khoảng cách trở nên rất đáng kể. iPhone Xs Max đạt 43.220 điểm, gần gấp 3 lần 16.396 điểm của Pixel 3.
Những kết quả như trên cho thấy rõ nét ưu thế của chip xử lý A12 Bionic mới. Tuy nhiên, khác biệt lớn còn đến từ khả năng có thể tối ưu hóa cả phần cứng lẫn phần mềm của Apple.
Trong khi đó, dù là tác giả của hệ điều hành Android, Google vẫn phải viện tới các đối tác khác trong việc chế tạo phần cứng. Do đó việc tối ưu hóa hiển nhiên không thể đạt tới mức như của “Táo”.