Chung tay chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường

Công nghệ - Ngày đăng : 06:27, 22/10/2018

(HNM) - Các sản phẩm từ nhựa, ni lông rất tiện ích, nhưng với đặc tính bền, khó phân hủy, chúng đang để lại hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe con người và môi trường sống.

Sử dụng túi vải không dệt thay cho túi ni lông góp phần ngăn chặn nạn rác thải nhựa. Ảnh: Khuê Diệp


- Xin ông đánh giá về thực trạng sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa trên thế giới và Việt Nam?

- Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế.

Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Mỗi ngày, cả nước có hàng triệu túi ni lông được thải ra môi trường. Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Trong đó, mỗi ngày tại Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, rác thải ni lông chiếm 7-8%.

Đáng chú ý, lượng túi ni lông tiếp tục gia tăng theo từng năm. Đây chính là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

- Ông có thể giải thích rõ hơn các chất thải nhựa, ni lông gây ô nhiễm môi trường ra sao?


- Với nhựa và ni lông, phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Phần nhiều rác thải nhựa nằm lại dưới đáy đại dương, nơi mà chúng sẽ tồn tại nhiều thế kỷ và trở thành một phần thức ăn độc hại với sinh vật biển.

- Có thể nhận thấy, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Vậy, trên thế giới đã triển khai các hoạt động như thế nào để hạn chế tình trạng này như thế nào, thưa ông?

- Ngày Môi trường thế giới năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người. Tại hội nghị bàn tròn về “Định hướng hình thành quan hệ đối tác hành động khu vực ASEAN về rác thải nhựa” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018, cũng đã khẳng định, ô nhiễm rác thải nhựa là mối quan tâm lớn của khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung.

- Vì sự tiện lợi, việc sử dụng túi ni lông đang phổ biến, vậy nếu không dùng túi ni lông thì có cách gì để thay thế sản phẩm này, thưa ông?

- Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, việc thay thế tức thời tất cả túi ni lông và rác thải nhựa là rất khó. Tuy nhiên, để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông, cần tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng thay thế bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường như: Túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự phân hủy, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần…

- Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, xin ông cho biết những hoạt động của Bộ sẽ triển khai thời gian tới?

- Để thực hiện phong trào này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kêu gọi và ký cam kết với các tổ chức chính trị - xã hội; hiệp hội, siêu thị, doanh nghiệp; các tổ chức phi chính phủ... cùng hành động, triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Nội dung chủ yếu sẽ được tập trung là:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện việc giảm thiểu; tiến tới chấm dứt sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Bên cạnh đó, phát động phong trào huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

Tập trung vận động các hệ thống siêu thị áp dụng thực hành thay thế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần tại mọi sự kiện, mọi hoạt động, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm phát sinh rác thải túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần... tổ chức thu hồi vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Mai