Bài cuối: Cần thêm bước đi đột phá
Du lịch - Ngày đăng : 07:10, 22/10/2018
“Tinh hoa Bắc Bộ” là một trong những chương trình giúp giữ chân khách du lịch ở lại Hà Nội. |
Làm du lịch phải có sản phẩm
Trong 4 chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 06-NQ/TU đặt ra, đến nay, 2 chỉ tiêu về lượng khách và công suất trung bình sử dụng buồng phòng đang đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc thực hiện 2 chỉ tiêu còn lại là tổng thu từ khách du lịch và đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch lại không dễ thực hiện.
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, tổng thu từ khách du lịch tăng từ 61.778 tỷ đồng năm 2016, lên 70.954 tỷ đồng năm 2017, tốc độ tăng trung bình đạt 13,5%/năm. Để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, trong thời gian tới, ngành Du lịch phải đạt mức tăng trưởng 23%/năm. Đây là thách thức lớn với ngành Du lịch Hà Nội.
Còn ở chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch, năm 2016, số lượng lao động trực tiếp ngành Du lịch qua đào tạo đạt tỷ lệ 62%, năm 2017 là 68%. Dự kiến đến hết năm 2018, tỷ lệ này sẽ là 67.900/90.500 lao động, đạt 75%. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2020, 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải chia sẻ, tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, dù lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2017 chiếm 27,7% so với cả nước, nhưng tổng thu từ khách du lịch chỉ chiếm 13,89% cả nước. Tỷ lệ thu từ khách du lịch giữa Hà Nội và cả nước lại giảm dần trong 3 năm trở lại đây cho thấy, Thủ đô còn thiếu các khu du lịch tổng hợp, khu vui chơi giải trí đặc sắc, có tính hấp dẫn cao, thiếu các dịch vụ hỗ trợ để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Transviet cho rằng, việc thiếu những sản phẩm du lịch để níu chân du khách ở lại Hà Nội lâu hơn là vấn đề cần lưu tâm. Gần đây, sản phẩm du lịch của Hà Nội đã có thêm trình diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”, khiến du khách phải ở lại Hà Nội thêm 1 đêm, được đánh giá là đáng "đồng tiền, bát gạo", song như vậy là chưa đủ.
Còn ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhận định: “Hà Nội vẫn còn nhiều thứ đang ngủ yên”. Ông Phùng Quang Thắng lấy ví dụ từ hệ thống bảo tàng tại Hà Nội khi có nhiều hiện vật quý, nhưng lại thiếu ý tưởng, thiếu cách tiếp cận đến khách du lịch.
Trong khi đó, việc lựa chọn phát triển từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, danh lam, thắng cảnh nổi trội của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn chưa được triển khai quyết liệt. Qua hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, chỉ có 8/30 quận, huyện, thị xã hình thành được các sản phẩm du lịch mới. “Làm du lịch phải có sản phẩm. Nếu không có sản phẩm thì khó nói đến chuyện hút khách, tăng doanh thu” - ông Phùng Quang Thắng nhận định.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp
Việc tăng tổng doanh thu từ du lịch luôn là bài toán khó, bởi đó là tổng hòa các giải pháp từ nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong đó, ngành Du lịch Hà Nội đã đề ra giải pháp, trong thời gian tới tập trung xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa, đó là các điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp…
Ông Lương Văn Tuân, Giám đốc Công ty Lữ hành Viet Beauty Tour nhìn nhận, Hà Nội cần những sự kiện thể thao, văn hóa đẳng cấp quốc tế được tổ chức thường kỳ, những sản phẩm du lịch chất lượng cao để thu hút đông đảo người xem và mang lại thu nhập cao.
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, trong thời gian tới phải tiếp tục tăng cường quảng bá, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách từ các thị trường có khả năng chi trả cao. Gần đây, việc xúc tiến du lịch tới các công ty lữ hành ở châu Âu, Nhật Bản đã được tiến hành, nhưng cần nhiều hơn nữa.
Đặc biệt, việc hoàn thành chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch dù khó khăn, song vẫn phải thực hiện. Một trong những giải pháp được ngành Du lịch Thủ đô đưa ra, đó là bên cạnh sự chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước thì rất cần sự tham gia của các hiệp hội du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch. Khi lượng khách đến Hà Nội đạt 30 triệu lượt vào năm 2020, càng cần nhiều hơn đội ngũ nhân lực bảo đảm chất lượng.
Du lịch Hà Nội vẫn đang cần những giải pháp đột phá để có thể hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra. Bài học từ việc hợp tác quảng bá hình ảnh Hà Nội với kênh CNN đến giờ vẫn nóng hổi và truyền thêm quyết tâm để du lịch thành phố khẳng định được vị thế trong bức tranh chung của kinh tế Thủ đô.