Chặn nguy cơ dịch chồng dịch

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:46, 22/10/2018

(HNM) - Tuần qua, số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm so với những tuần trước đó. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, thời tiết lạnh, độ ẩm cao cũng là thời điểm nhiều dịch bệnh theo mùa “đến hẹn lại lên” tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên là biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả.


Mùa cao điểm dịch bệnh truyền nhiễm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, vào thời điểm hiện tại, có 3 dịch bệnh người dân cần lưu ý, đó là tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến ngày 20-10, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 1.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gần 1.800 trường hợp tay chân miệng, hơn 400 trường hợp mắc sởi. Số ca mắc 3 dịch bệnh này đều phân bố rải rác tại 30 quận, huyện, thị xã và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mùa thu - đông ở miền Bắc khí hậu thường lạnh và sang đến cuối đông đầu xuân sẽ ẩm, trong điều kiện như vậy, vi rút gây bệnh truyền nhiễm dễ phát triển và lây lan. Cùng với đó, nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trong trường học, cơ sở giáo dục cũng rất lớn. Cuối năm cũng là thời điểm có sự giao thương, đi lại nhiều. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

Hiện dịch bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam nhưng với điều kiện thời tiết như hiện nay nên không loại trừ khả năng dịch sẽ bùng phát ở miền Bắc. Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, bệnh tay chân miệng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào các chủng vi rút gây bệnh.

Tỷ lệ biến chứng cao nhất thường do vi rút EV71. Đây là chủng vi rút có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như: Thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. Nếu trẻ mắc bệnh kèm theo các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều hoặc trẻ giật mình nhiều lần trong lúc thiu thiu ngủ, phụ huynh phải đưa trẻ đi khám ngay lập tức...

Nếu như năm 2017 là năm đỉnh điểm về dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội với số ca mắc lên tới hơn 37 nghìn trường hợp thì từ đầu năm 2018 đến nay, số mắc đã giảm hơn 90%. Tuy vậy, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cùng với các yếu tố nguy cơ, như: Ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư đông, nhiều khu nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện vệ sinh, ăn ở tạm bợ, tồn đọng nơi muỗi đẻ trứng… thì hằng năm, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào tháng 11. Thêm vào đó, theo chu kỳ dịch 4 năm/lần, dự báo dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Tiêm bổ sung, tuân thủ vệ sinh phòng bệnh


Bộ Y tế vừa có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho khoảng hơn 4,2 triệu trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018-2019. Theo đó, trong tháng 11 và 12-2018 sẽ diễn ra đợt 1 của chiến dịch tại 156 quận, huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh, thành phố. Đợt 2 sẽ diễn ra vào tháng 1 và tháng 2-2019 tại 262 quận, huyện của 37 tỉnh, thành phố.

Để chiến dịch tổ chức thành công, Bộ Y tế sẽ bảo đảm cung ứng vắc xin sởi - rubella, bơm kim tiêm, hộp an toàn để chuẩn bị cho chiến dịch. Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng bổ sung có thể được triển khai đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ hoặc các cơ sở y tế… tùy vào điều kiện của từng địa phương.

Triển khai tiêm chủng cho trẻ tại quận Cầu Giấy.


Tại Hà Nội, dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi luôn đạt so với tỷ lệ chung của toàn quốc (từ 95 đến 97%) nhưng hằng năm vẫn còn khoảng 3-5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi, đó là đối tượng dễ mắc bệnh. Vì vậy, trong tháng 11 tới, Hà Nội sẽ tổ chức đợt tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho khoảng 680 nghìn trẻ từ 1 đến 5 tuổi.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, số trẻ chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch. Việc duy trì tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi cho trẻ là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Trong đợt tiêm bổ sung này, cán bộ y tế có trách nhiệm theo dõi, giám sát và hỗ trợ cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, bảo đảm chất lượng và an toàn tiêm chủng.

Còn đối với bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng hiện chưa có vắc xin dự phòng, ngành Y tế kêu gọi người dân và các bà mẹ thực hiện nếp sống vệ sinh phòng bệnh. PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành Y tế Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổ chức cách ly, khoanh vùng kịp thời người mắc bệnh.

Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 63 bệnh viện từ tuyến trung ương, bộ, ngành đến các bệnh viện tuyến cơ sở và một số bệnh viện tư nhân, tần suất giám sát 3-4 lần/tuần để phát hiện sớm ca bệnh.

Tuy nhiên, để việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp như: Tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh môi trường và xử lý khử trùng vật dụng sinh hoạt; diệt lăng quăng, bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước; thực hiện tốt việc ăn sạch, uống sạch; đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Thu Trang