Hiện thực hóa sáng kiến vì cộng đồng

Công nghệ - Ngày đăng : 06:45, 23/10/2018

(HNM) - Nhiều sáng kiến của các nhà khoa học chuyên và không chuyên đã góp phần tạo ra công nghệ mới, giải pháp mới, giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất và đóng góp cho đời sống của người dân.

Sáng kiến “Cải tiến dàn quạt ôxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” đã giúp các hộ nuôi tôm tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm.


Phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng

Nằm trong những nỗ lực khuyến khích và nhân rộng những điển hình đổi mới sáng tạo, đóng góp vì lợi ích chung của cộng đồng, chương trình Sáng kiến vì cộng đồng, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tạp chí Cộng sản chủ trì, được triển khai lần thứ nhất trên quy mô toàn quốc từ năm 2015. Đến nay, sau 2 lần tổ chức, những sáng kiến, dự án được trao giải, đó cũng là những công trình sáng tạo đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp, đề xuất, góp phần giải quyết nhiều vấn đề, giúp tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất và đời sống, đóng góp cho cộng đồng.

Sáng kiến “Cải tiến dàn quạt ôxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” do Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện, là sản phẩm đạt giải Nhất trong cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” năm 2018. Sáng kiến đã được đưa vào ứng dụng thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng từ năm 2016. Sáng kiến đã đạt mục tiêu giảm áp lực về cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng thông qua giảm sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng nuôi tôm công nghiệp gần 20% mỗi tháng. Ứng dụng sáng kiến này, người nuôi tôm tiết kiệm chi phí đầu tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ứng dụng được triển khai trên 161 hộ nuôi tôm thí điểm tại Sóc Trăng đã giúp các hộ nuôi tiết kiệm được hơn 1,45 triệu kwh điện/năm, tương đương gần 2,5 tỷ đồng.

Bên cạnh lĩnh vực khoa học kỹ thuật, các sáng kiến trong lĩnh vực phục vụ cộng đồng cũng được đánh giá cao, trong đó có thể kể đến sáng kiến “Vì cuộc sống hòa nhập cho người khuyết tật” do tập thể cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội là đồng tác giả. Mục tiêu của sáng kiến nhằm cung cấp những thông tin tổng quát hơn về người khuyết tật, giúp các y, bác sĩ có những phương án, kế sách hỗ trợ hiệu quả trên cơ sở xây dựng dữ liệu tài nguyên trực tuyến về người khuyết tật. Hệ thống này còn tạo môi trường cho phép chia sẻ thông tin và nghiên cứu phục hồi chức năng, báo cáo về người khuyết tật, về đặc điểm gia đình, khả năng hoạt động các chức năng còn lại, nhu cầu hỗ trợ trong các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Với sáng kiến “Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao”, nhóm tác giả Minh Ngân mong muốn tạo thuận lợi trong sinh hoạt cho các em học sinh ở những vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Cụ thể là cung cấp nước nóng với chi phí thấp nhằm bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho các em, nhất là trong mùa đông khắc nghiệt, đặc biệt với học sinh nữ. Sản phẩm của sáng kiến là làm nóng nước nhờ tận dụng nhiệt của hệ thống bếp lò. Nhiệt lượng của bếp lò đồng thời làm chín thức ăn, vừa làm nóng nước trong hệ thống ống dẫn nước dẫn tới bồn bảo ôn để học sinh sử dụng.

Cần nhân rộng và kết nối

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, dù chưa có một thống kê đầy đủ về những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội từ những sáng kiến của người dân, nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều sáng kiến đã đem lại hiệu quả kinh tế, khẳng định sức sáng tạo của người dân Việt Nam. Chắc chắn nếu có các giải pháp, hoạt động cụ thể để thúc đẩy sự sáng tạo của cộng đồng, những sáng kiến ấy sẽ tiếp tục góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ đất nước.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm khẳng định, chương trình Sáng kiến vì cộng đồng là chương trình mang tính thiện nguyện, không vì mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng vẫn đang rất thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về tài chính để tận dụng những sáng kiến đó. “Vì thế chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp, các tổ chức phối hợp với các đơn vị, cá nhân có những sáng kiến giúp đỡ cộng đồng để triển khai, đưa các sáng kiến vào áp dụng thực tế”, ông Lâm đề xuất.

Theo ông Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chương trình rất cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích nhân rộng, tạo sự kết nối để hiện thực hóa các sáng kiến. Nhà nước cũng cần hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm, quảng bá các sáng kiến cũng như các chính sách khuyến khích về thuế, tiếp cận vốn, đất đai…

Ông Francis Gury, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhận định: Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, châu Á đang trở thành nguồn cung cấp chính cho hoạt động đổi mới sáng tạo và đổi mới khoa học công nghệ, trong đó Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng. Trong tương lai, những sáng kiến đổi mới sáng tạo như trong chương trình Sáng kiến vì cộng đồng sẽ hiện diện khắp nơi, trong mọi hoạt động của nền kinh tế Việt Nam.

Mai Hà