Brexit: Bế tắc chưa thể tháo gỡ
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 23/10/2018
Hàng trăm nghìn người tham gia tuần hành trên các đường phố London đòi trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit. |
Cuộc tuần hành hôm 20-10 mang tên "Tuần hành vì lá phiếu của nhân dân" là đợt xuống đường lớn nhất ở Anh kể từ cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Iraq năm 2003. Theo các nhà tổ chức, người dân cần có cơ hội để thay đổi suy nghĩ vì quyết định Anh rời khỏi EU sẽ có tác động tới cuộc sống của họ. Lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Vince Cable cho rằng sự kiện lần này cho thấy người dân Anh đã bắt đầu nhận ra Brexit sẽ không thành công. Họ muốn bảo vệ cuộc sống, công việc và tương lai con cái mình khỏi hỗn loạn hậu Brexit.
Cuộc xuống đường quy mô lớn diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Anh đang đứng trước áp lực ngày càng lớn vì chiến lược đàm phán Brexit được cho là "chưa hiệu quả". Tới nay, các cuộc đàm phán để đi tới thỏa thuận "ly hôn" cuối cùng vẫn bế tắc, trong đó có không ít ý kiến phản đối từ chính nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng T.May. Bà T.May đã nhiều lần khẳng định sẽ không tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 trong khi phe ủng hộ Brexit cũng cho rằng việc này sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn.
Bất đồng giữa Anh và EU đối với vấn đề Brexit đã lên tới đỉnh điểm, vượt qua ngưỡng này sẽ là kịch bản mà cả hai bên đều không mong muốn nếu Brexit không đạt được thỏa thuận nào. Hai bên đều đã nhất trí quan điểm Brexit sẽ phải bảo đảm tránh xảy ra đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland - nước thành viên EU - và Bắc Ireland thuộc Anh, song bất đồng nằm ở cách thức giải quyết vấn đề. Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) hôm 18-10 đã khép lại mà không đạt được tiến bộ trong vấn đề Brexit.
Nhằm tháo gỡ bế tắc, giới chức EU đã để ngỏ khả năng kéo dài thời kỳ chuyển tiếp thêm 1 năm. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier chia sẻ ý tưởng kéo dài quá trình chuyển tiếp Brexit đến năm 2021, thay vì kết thúc vào năm 2020 như kế hoạch. Mục đích của việc này là để giới chức hai bên có thêm thời gian thương lượng về thỏa thuận thương mại trong tương lai, cũng như tìm ra một giải pháp đối với vấn đề đường biên giới Ireland. Việc kéo dài thời kỳ chuyển đổi đồng nghĩa nước Anh sẽ phải chi trả thêm hàng tỷ bảng cho EU.
Theo các nhà phân tích, tương lai nước Anh chứa đựng nhiều điều bất ổn như chính cuộc đàm phán Brexit đang diễn ra. Kinh tế của nước Anh khi ra khỏi EU có thể sẽ rơi vào tình huống vô cùng khó khăn, gây thiệt hại kinh tế cho cả hai bên. Câu hỏi đặt ra với nước Anh hiện nay là làm sao cân bằng vấn đề "chủ quyền quốc gia" và mệnh lệnh kinh tế để giữ được quyền tiếp cận những thị trường mà xứ sở Sương mù đang được hưởng.
Vì 27 nước EU tạm hoãn kế hoạch chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới và giao cho Trưởng đoàn đàm phán EU M.Barnier tiếp tục làm việc với phía Anh, nên còn quá sớm để kết luận Brexit sẽ tiến triển theo hướng nào. Giai đoạn cuối cùng của chặng đường đàm phán sẽ cần đến lòng can đảm, sự tin tưởng và vai trò phối hợp từ cả hai phía. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng tương lai quan hệ giữa Anh và EU sẽ còn là câu chuyện dài trong nhiều năm sau khi Anh rời khỏi "mái nhà chung".