Nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới giảm mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 10:52, 23/10/2018
Nhiều địa phương đã khởi sắc sau xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh hoạ |
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020 là khoảng 820.964,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 24.167 tỷ đồng; ngân sách địa phương 91.975 tỷ đồng.
Các bộ, ngành và địa phương đã tích cực huy động các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đạt 96.093 tỷ đồng; vốn tín dụng đạt 512.450 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp đạt 39.480 tỷ đồng và cộng đồng và dân cư đóng góp là 56.799 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư cho chương trình MTQG xây dựng NTM.
Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã đóng góp vai trò thu hút các nguồn vốn khác từ cộng đồng và của chính người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
Nguồn lực này được ưu tiên bố trí cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã nghèo thuộc các huyện nghèo.
Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình này khá tích cực, cả về số lượng và chất lượng. Qua 3 năm thực hiện, đến nay, 39,7% số xã đã đạt chuẩn NTM, dự kiến hết năm 2018 có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn và chỉ còn 80 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 238 xã so với cuối năm 2015.
"Việc huy động quá sức đóng góp của người dân từng bước được chấn chỉnh, phân bổ vốn tập trung hơn trên cơ sở cân đối nguồn lực. Nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm mạnh so với đầu giai đoạn" - Báo cáo thẩm tra nêu về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng thủ tục rườm rà khi thực hiện các công trình có quy mô nhỏ, bố trí vốn chưa tập trung, vẫn còn tình trạng dàn trải, nợ đọng;
Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, một số cán bộ và người dân nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, nội dung của xây dựng NTM; chưa chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, nhất là trong bố trí nguồn lực cho Chương trình.
Dù nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm mạnh, nhưng đến tháng 8-2018 vẫn còn một số địa phương nợ ở mức tương đối cao, tập trung tại một số địa phương có tỷ lệ số xã đạt tiêu chí NTM cao ở khu vực đồng bằng sông Hồng.
Ủy ban Tài chính Ngân sách kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM đến năm 2020, bảo đảm kết quả đạt được là thực chất, tránh phô trương, hình thức.