Ổn định cung - cầu thịt lợn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:52, 24/10/2018
Hiện nay, giá thịt lợn
hơi xuất chuồng trên thị trường đang tăng mạnh, dao động từ 52.000 đến 53.000 đồng/kg, tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Bà Nguyễn Thị Viển ở xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên cho biết: "Gia đình vừa xuất chuồng 20 con lợn với giá 52.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi tăng kéo theo giá con giống cũng tăng, hiện ở mức 1,7 triệu đồng/con. Tuy vậy, sau khi trừ chi phí người chăn nuôi vẫn có lãi khoảng 9.000 đồng/kg". Do giá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm nên gia đình bà Viển vừa nhập 40 con lợn giống về nuôi để cung cấp thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Giá thịt lợn hơi tăng mạnh nên một số hộ chăn nuôi ở ngoại thành Hà Nội bắt đầu tái đàn phát triển chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Hải, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ chia sẻ: "Trang trại đang chăn nuôi 300 lợn nái và hơn 1.000 con lợn thương phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thận trọng trong tái đàn vật nuôi để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp thịt lợn hơi giảm giá".
Lý giải về giá thịt lợn hơi trên thị trường tăng mạnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Hà Tiến Nghi cho rằng, do nhiều trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng bởi thua lỗ trong thời gian dài khiến nguồn cung giảm. Ngoài ra, do chi phí thức ăn, con giống tăng… đã đẩy giá thành nuôi lợn lên cao. Giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng quá cao và diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cân đối cung - cầu ngành hàng thịt lợn.
Còn theo ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, sau đợt giảm giá thịt lợn hơi trong năm 2017, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã phá đàn do không gánh được thua lỗ hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Hiện các trang trại mới phục hồi chăn nuôi, nguồn cung giảm khiến giá thịt lợn trên địa bàn huyện tăng mạnh.
Để ổn định tình hình, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị các địa phương tiếp tục khuyến khích chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường... Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, trước mắt các địa phương khuyến cáo cơ sở chăn nuôi cần thận trọng khi thực hiện việc tái đàn và tăng đàn lợn trong giai đoạn này. Các trang trại chỉ tái đàn khi đã có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm ổn định, xuất bán lợn đúng tuổi, đúng trọng lượng, không đầu cơ găm hàng chờ giá tăng. Các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng đầu tư giống tốt, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm…
Về lâu dài, ngành chăn nuôi của Hà Nội sẽ tập trung thực hiện theo quy hoạch gắn với phát triển theo xã, vùng trọng điểm, trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Các địa phương hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, cân đối cung - cầu, hài hòa lợi ích. Chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông nhằm từng bước thay đổi thói quen sử dụng thịt nóng giết mổ không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ở góc độ người sản xuất, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) đề nghị, trong ngắn hạn, các ngành chức năng nên để giá thịt lợn hơi vận động theo quy luật cung - cầu của thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường trong nước và thế giới để có giải pháp điều tiết phù hợp, nắm bắt tình hình cung - cầu, tránh hiện tượng sốt giá ảo, cục bộ, ảnh hưởng chung tới ngành chăn nuôi lợn.