Ấn tượng về đổi mới phương thức lãnh đạo và kết quả đạt được
Chính trị - Ngày đăng : 18:03, 14/06/2023
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng:
Đổi mới phong cách lãnh đạo qua Dự án đường Vành đai 4 đã lan tỏa trong hệ thống chính trị
Có thể khẳng định, hơn 2 năm qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã đổi mới mạnh mẽ phương thức, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo. Tiêu biểu, đổi mới phong cách lãnh đạo thể hiện qua triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã lan tỏa, tạo động lực chung trong cả hệ thống chính trị.
Không chỉ giao nhiệm vụ trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, các đồng chí lãnh đạo thành phố còn theo dõi sát sao tình hình triển khai, kịp thời quan tâm đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong từng giai đoạn.
Đơn cử như việc di chuyển những con tàu cũ nát trên mặt hồ Tây, thành phố không chỉ giúp đỡ quận tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, cơ chế, mà còn tăng cường công tác phối hợp của các sở, ngành. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của thành phố, đến nay, quận đã giải quyết hiệu quả vấn đề này. Từ tấm gương của thành phố, lãnh đạo quận xác định phải cố gắng nhiều hơn, chủ động hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ.
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên:
Hai điều tâm đắc về đổi mới phương thức lãnh đạo
Một trong những điều tôi tâm đắc nhất từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy là sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo.
Trong các nội dung đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, có hai nội dung đổi mới thực sự nổi bật, rõ nét. Thứ nhất là đổi mới ban hành nghị quyết, chỉ thị và tổ chức thực hiện. Thứ hai, có ý nghĩa quyết định, là đổi mới công tác tổ chức cán bộ.
Riêng về đổi mới ban hành chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, Thành ủy đã chú trọng ban hành những chủ trương lớn, lâu dài; dành nhiều tâm sức, trách nhiệm và trí tuệ, tập trung rất cao để tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; chuẩn bị hồ sơ Luật Thủ đô sửa đổi...
Ngoài ra, từ 10 chương trình công tác phủ kín các lĩnh vực, Thành ủy đã chọn ra và ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ và phát triển công nghiệp văn hóa. Đây đều là những chủ trương rất đúng đắn, vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vừa tạo động lực mới cho thành phố phát triển.
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đỗ Đình Hồng:
Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa là mẫu mực
Vừa qua, tiếp xúc với chúng tôi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là đầu tiên của cả nước, mà còn rất mẫu mực. Đây là cơ sở tham khảo rất quan trọng để Bộ tham mưu với Chính phủ triển khai trong trên cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, trước mắt là phục vụ cuộc làm việc của Chính phủ về nội dung này.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đánh giá rất cao sự quan tâm đầu tư và hiệu quả đầu tư cho lĩnh vực văn hóa thời gian qua của thành phố.
Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng:
Tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn
Tính chung 2 năm rưỡi qua, tăng trưởng GRDP thành phố Hà Nội đạt bình quân 5,9%. Đây là mức tăng rất tích cực và ấn tượng nếu so với kết quả chung của cả nước; thể hiện sự cố gắng rất lớn của thành phố trong bối cảnh chịu tác động bất khả kháng của đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị trên thế giới.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng GRDP cả nhiệm kỳ là 7,5-8% vào cuối nhiệm kỳ là rất khó khả thi. Giả sử năm 2023, GRDP thành phố tăng trưởng 7%, thì 2 năm còn lại của nhiệm kỳ thành phố phải tăng bình quân 9,4%/năm. Đây là mức tăng quá cao và rất khó thực hiện được vì trong 10 năm qua, mức tăng trưởng cao nhất là 2022, tăng 8,89%, nhưng quan trọng là trên nền năm 2021 tăng rất thấp.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân:
Phải đẩy mạnh đầu tư công
Tôi hoàn toàn đồng ý là để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa sau nhiệm kỳ 2020-2025, phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao năng lực của các khu, cụm công nghiệp và tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng hàng đầu vẫn phải là tăng cường chi tiêu công, nhất là giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng để bảo đảm nguồn lực đầu tư công thì thành phố và các quận, huyện, thị xã phải tập trung tháo gỡ khó khăn trong đấu giá đất; gia tăng các nguồn thu bền vững từ sản xuất, thuế, phí. Đây là vấn đề mà Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung làm việc và phối hợp với các sở, ngành, địa phương khắc phục trong thời gian tới.