Phát hiện sớm, xử lý nghiêm vi phạm đất đai

Bất động sản - Ngày đăng : 07:40, 27/10/2018

(HNM) - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra một số vụ vi phạm trong quản lý đất đai, gây dư luận xấu...

Công trình xây dựng ngay bên cạnh hồ Đồng Đò (huyện Sóc Sơn) - ảnh chụp chiều 16-10. Ảnh: VH/Lao Động


Từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 122/KH-UBND (ngày 1-6-2017) "Về việc tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng đất, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp". Sau hơn một năm thực hiện kế hoạch này, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định: Tình hình vi phạm về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều; tình trạng lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn xảy ra ở một số địa phương.

Mặc dù hơn một năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra trực tiếp tại 104 địa bàn, tham mưu để thành phố quyết định thu hồi 109.358m2 đất vi phạm. Song, vi phạm đối với đất nông nghiệp công ích, đất công, đất chưa sử dụng do UBND cấp xã đang quản lý còn hơn 501ha, trong đó vi phạm liên quan đến xây dựng trái phép là 181ha, với hơn 5.500 trường hợp.

Điều đáng nói là qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, phần lớn UBND các xã, phường, thị trấn báo cáo số liệu chưa phản ánh đúng và đầy đủ thực tế các vi phạm về đất đai, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công. Diện tích xây dựng vi phạm trong báo cáo thường thấp hơn thực tế. Nhiều diện tích đất vi phạm chưa được thống kê báo cáo theo yêu cầu của các đoàn thanh tra. Đáng nói, nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp vi phạm thuộc các dự án đã có thông báo thu hồi đất, hiện đang triển khai công tác điều tra, kiểm đếm và lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng vẫn "được" chính quyền địa phương thống kê và kiến nghị xử lý. Ngoài ra, các phường, xã, thị trấn còn lúng túng trong việc đề xuất biện pháp xử lý hợp thức một số trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chưa có biện pháp xử lý dứt điểm theo quy định…

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số địa phương còn xem nhẹ, thậm chí không giám sát, đôn đốc việc chấp hành pháp luật về đất đai và triển khai thực hiện của các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn. Thậm chí, có lãnh đạo cơ sở coi đó là việc của UBND thành phố và các sở, ban, ngành. Điều này thể hiện ở chỗ, khi được yêu cầu tổng hợp số liệu về vi phạm trong sử dụng đất trên địa bàn mình, nhiều địa phương tỏ ra lúng túng, dẫn đến kết quả báo cáo chưa chính xác...

Đánh giá đúng thực trạng trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo, cả hệ thống chính trị, trước hết là sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, các sai phạm trong quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính về đất đai trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt nhấn mạnh, để xảy ra vi phạm về quản lý đất đai, cấp ủy, chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước tiên. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền ở địa phương nào chưa sát sao thì cần quyết liệt vào cuộc, tăng trách nhiệm của người đứng đầu, đề ra giải pháp xử lý, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đất đai.

Thành Tâm