Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 28/10/2018

(HNM) - Đi qua hơn một nửa chặng đường thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, nước ta đạt nhiều thành tựu nổi bật trong công tác giảm nghèo.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý tặng xe đạp cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.


Kết quả chưa bền vững

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững là Chương trình mục tiêu quốc gia được ưu tiên các nguồn lực để thực hiện. Dự kiến, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn lực dành cho Chương trình này là 48.397 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm huy động sự đóng góp của xã hội, bảo đảm các nguồn lực cần thiết để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống tạo thành động lực giúp người nghèo, những địa phương còn khó khăn có ý chí, hướng đi để thoát nghèo. Minh chứng rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo của cả nước ước còn khoảng 5,5% vào cuối năm nay, giảm khoảng 4,4% so với thời điểm cuối năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương thuộc diện khó khăn đã thoát nghèo như huyện Ba Bể (Bắc Kạn); Tân Uyên, Than Uyên (Lai Châu); Tân Sơn (Phú Thọ); Quỳnh Nhai, Phù Yên (Sơn La); Sơn Hà (Quảng Ngãi)…

Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của đất nước. Tuy vậy, kết quả này vẫn chưa thực sự bền vững khi tỷ lệ tái nghèo còn ở mức 5,1%/năm, nhiều hộ nghèo mới phát sinh, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

Ở những địa phương vùng khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao; tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% tổng số hộ nghèo của cả nước... đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Thay “con cá” bằng “cần câu”

Kinh nghiệm từ các địa phương đạt thành tựu đột phá trong công tác giảm nghèo cho thấy, thay vì hỗ trợ “cơm, áo, gạo, tiền” khiến người nghèo chỉ no ấm ở một thời điểm nào đó, rồi lại sống trong cảnh nghèo, trong những năm gần đây, người nghèo được hỗ trợ “cần câu”. Nói cách khác, các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được áp dụng linh hoạt ở từng địa phương, phù hợp với đặc thù của từng khu vực, với nhu cầu, năng lực của từng hộ, giúp họ có động lực, ý chí vươn lên.

Ông Nguyễn Bá Khuyến, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho hay, địa phương mới thành lập, lại không có lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nên nếu đi theo hướng phát triển kinh tế - xã hội như các địa phương khác, Tân Sơn sẽ xếp “cuối bảng”.

Xác định rõ lợi thế của địa phương là diện tích đồi rừng rộng và con người cần cù, huyện Tân Sơn mạnh dạn sử dụng các nguồn vốn đầu tư gây dựng mô hình trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp cho giá trị kinh tế cao, mở rộng nghề chế biến nông - lâm sản, dịch vụ thương mại. Với hướng đi này, tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Sơn giảm từ hơn 60% năm 2008, xuống còn 22% vào cuối năm 2017, đưa Tân Sơn thoát khỏi diện huyện nghèo.

Ngoài các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của trung ương và địa phương, nhiều người dân huyện Tân Uyên (Lai Châu) mạnh dạn vay vốn ưu đãi để học nghề, phát triển sản xuất, chăn nuôi, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sau quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Uyên giảm xuống còn gần 20,96%, cận nghèo còn 12,38%. Phấn đấu đến năm 2020, Tân Uyên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lai Châu và khu vực miền núi phía Bắc.

Đối với hộ nghèo, tùy theo hoàn cảnh, nhu cầu, năng lực mà các hộ nhận được sự hỗ trợ khác nhau. Những hộ có người còn khả năng lao động nhận được hỗ trợ về vốn, giống, tư liệu sản xuất, về dạy nghề, việc làm để tự lực vươn lên thoát nghèo. Những hộ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn đột xuất sẽ nhận được hỗ trợ về nhiều mặt để bước qua tháng ngày khốn khó. Hộ nghèo không có khả năng tự thoát nghèo được hỗ trợ trực tiếp về nhiều mặt... Anh Trần Trung Kiên, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho hay, hai vợ chồng anh tàn tật, con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều năm liền, nguồn sống của cả gia đình phụ thuộc vào nghề đánh cá may, rủi. Năm 2014, gia đình anh được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi.

“Dùng số tiền này đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, lợn, gà, trồng cây, sau 3 năm, mô hình phát triển kinh tế mang lại cho gia đình tôi tổng thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm. Hiện tại, tôi có đủ kiến thức, khả năng làm kinh tế, quyết tâm không để gia đình tái nghèo”, anh Kiên phấn khởi.

Tại Hà Nội, các giải pháp giảm nghèo theo hướng trao cho người nghèo “cần câu” thay vì “con cá” cũng mang lại kết quả tích cực. Trong năm 2018, toàn thành phố ước giảm hơn 7.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 1,3%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Tính theo chuẩn nghèo chung, tỷ lệ hộ nghèo của TP Hà Nội còn dưới 0,6%. Đó là những minh chứng rõ nhất khẳng định, muốn đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững thì chuỗi giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cần được triển khai linh hoạt, đồng bộ và quan trọng hơn cả là phải khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo.

Minh Ngọc