Để chợ truyền thống... sống khỏe!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 29/10/2018

(HNM) - Chợ truyền thống - loại hình thương mại với những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng, đã có lịch sử hình thành khá lâu đời ở Hà Nội.


Hàng loạt lúng túng trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống được chỉ rõ. Trong đó, phải kể đến những vấn đề có tính căn cốt như thiếu hệ tiêu chí cũng như mô hình phù hợp, đáp ứng yêu cầu về văn minh đô thị trong xã hội hiện đại.

Những khiếm khuyết, hạn chế nảy sinh của chợ truyền thống không được khắc phục kịp thời, lại quay vòng cản trở sự phát triển hiệu quả của loại hình hạ tầng thương mại này trong hoạt động thương mại chung của thành phố. Ví như tình trạng chợ nhếch nhác, bẩn thỉu; thiếu nền nếp vận hành; mất an toàn cháy nổ; mất an ninh trật tự và đặc biệt là nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao.

Thậm chí, còn xuất hiện hiện tượng “bảo kê” thu tiền bến bãi trái phép tại chợ đã được các phương tiện báo chí, truyền thông phản ánh thời gian qua. Đó là một trong những hệ quả của tình trạng quản lý yếu kém ở các chợ lâu nay.

Tất cả đang đòi hỏi một sự chuyển đổi với mô hình quản lý tích cực, phù hợp để phát huy những ưu điểm của chợ truyền thống theo hướng hiệu quả, quy củ, văn minh hơn.

Mới đây, ngày 11-10-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn 4942/ UBND-KT đôn đốc khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn. Văn bản đã chỉ rõ "điểm nghẽn" trong quản lý nhà nước về chợ hiện nay - đó là có phương án, có triển khai nhưng chưa hiệu quả, cần thúc đẩy cả về tiến độ lẫn chất lượng.

Việc 144 chợ (trên tổng số 454 chợ của thành phố) chưa được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, là một ví dụ. Bên cạnh đó, công tác phối hợp chặt chẽ giữa sở ngành với chính quyền quận, huyện, thị xã trong lĩnh vực quản lý này cần được lưu ý. Việc xét duyệt phân hạng, bố trí ngành hàng chợ đầu mối, chợ hạng 1 là thuộc thẩm quyền Sở Công Thương.

Nhưng sau đó, công tác thành lập ban quản lý, ban chỉ đạo lại thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã… Cũng như vậy, việc các địa phương sớm hoàn thành đề xuất chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ là điều kiện thúc đẩy nhanh chóng tạo bước chuyển trong vận hành chợ truyền thống ở Hà Nội.

Có mô hình, có ban quản lý nhưng chính quyền địa phương vẫn phải có sự quan tâm sát sao, đặc biệt là với các tiểu thương - bộ phận tạo nên sức sống cho chợ truyền thống. Hơn 300 chợ (trên tổng số 454 chợ của cả thành phố) đã được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng mà nếu vẫn để tình trạng lộn xộn, lấn chiếm… thì sẽ khó thuyết phục tiểu thương, khó tạo được sự lan tỏa, sự chuyển động thực sự cho những chợ khác trên địa bàn thành phố.

Cũng như vậy, rất cần kết hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kỹ năng để tiểu thương đồng lòng cam kết thực hiện quy định về an toàn thực phẩm và nhiều quy định quan trọng khác như an toàn cháy nổ. Đáng nói hơn, trong bối cảnh nhận thức, ý thức của tiểu thương chưa cao thì việc tăng cường đối thoại để tìm kiếm sự đồng thuận, tìm kiếm phương án giải quyết tối ưu cho những bất đồng là đặc biệt cần thiết.

Mỗi người dân tham gia hoạt động trao đổi, mua bán ở chợ cũng có vai trò nhất định trong việc xây dựng chợ Hà Nội văn minh, hiệu quả. Mà để có điều đó cần tăng cường thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng như quy định của mỗi chợ.

Có sự quan tâm, có phương thức vận hành phù hợp, chợ truyền thống chắc chắn sẽ sống khỏe, dần thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp. Từ đây, phát triển loại hình thương mại quan trọng này ở Thủ đô một cách mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho cả hoạt động du lịch của thành phố.

Hà An